15. Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu mang theo người
Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu là việc lấy mẫu để kiểm tra xét nghiệm xem động vật, hoặc sản phẩm nguồn gốc động vật xem có đạt tiêu chuẩn theo quy định hay không. Mục đích là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, kiểm soát, ngăn chặn đối tượng bị nhiễm dịch bệnh không được vào Việt Nam. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể thủ tục Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu mang theo người dựa theo các quy định Luật Thú y 2015, Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư 285/2016/TT-BTC, Thông tư 35/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 44/2018/TT-BTC.
1. Một số khái niệm cơ bản
Động vật theo khoản 1 Điều 3 Luật thú y 2015 bao gồm:
+ Động vật trên cạn là các loài gia súc, gia cầm, động vật hoang dã, bò sát, ong, tằm và một số loài động vật khác sống trên cạn;
+ Động vật thủy sản là các loài cá, giáp xác, động vật thân mềm, lưỡng cư, động vật có vú và một số loài động vật khác sống dưới nước.
Sản phẩm động vật là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật theo khoản 2 Điều 3 Luật thú y 2015 bao gồm:
+ Sản phẩm động vật trên cạn là thịt, trứng, sữa, mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, móng và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật trên cạn;
+ Sản phẩm động vật thủy sản là động vật thủy sản đã qua sơ chế hoặc chế biến ở dạng nguyên con; phôi, trứng, tinh dịch và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật thủy sản.
Đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật bao gồm vi sinh vật, ký sinh trùng, trứng và ấu trùng của ký sinh trùng gây bệnh cho động vật, gây hại cho sức khỏe con người (khoản 18 Điều 3 Luật thú y 2015)
2. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu
2.1 Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu
Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu theo quy định tại Điều 41 Luật thú y 2015 được ghi nhận cụ thể như sau:
Động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch trước khi xuất khẩu phải được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc chủ hàng; trường hợp nước nhập khẩu hoặc chủ hàng không yêu cầu kiểm dịch thì thực hiện theo quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vận trên cạn vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh
Lưu ý:
Việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện tại nơi xuất phát hoặc tại nơi cách ly kiểm dịch ở cửa khẩu theo quy trình, yêu cầu vệ sinh thú y quy định đối với động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu.
2.2 Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu mang theo người
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu mang theo người như sau:
– Chủ hàng đăng ký kiểm dịch nhập khẩu trực tiếp tại cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu khi mang theo người động vật, sản phẩm động vật với số lượng, khối lượng như sau:
+ Động vật: Không quá 02 con với mục đích để nuôi làm cảnh, sinh hoạt trong gia đình hoặc mang theo đi du lịch, công tác, quá cảnh và không thuộc Danh mục động vật cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định;
+ Sản phẩm động vật: Không quá 05 kg sản phẩm đã qua chế biến dùng làm thực phẩm để tiêu dùng cá nhân và không thuộc Danh mục sản phẩm động vật cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.
– Việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện như sau:
+ Đối với động vật: Kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu; kiểm tra lâm sàng động vật; phòng bệnh bằng vắc xin đối với động vật chưa được phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; lấy mẫu xét nghiệm đối với động vật nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;
+ Đối với sản phẩm động vật: Kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu; kiểm tra cảm quan, tình trạng bao gói sản phẩm động vật;
+ Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với động vật, sản phẩm động vật đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y;
+ Lập biên bản và tiêu hủy ngay tại khu vực gần cửa khẩu đối với động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm động vật không đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y;
+ Trường hợp Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu không hợp lệ, cơ quan kiểm dịch cửa khẩu lập biên bản tạm giữ hàng và xử lý theo quy định.
Lưu ý:
Không mang theo người sản phẩm có nguồn gốc động vật ở dạng tươi sống, sơ chế.
2.3 Yêu cầu đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu
Theo quy định tại Điều 44 Luật thú y 2015 thì yêu cầu đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu bao gồm:
– Đối với động vật:
+ Khỏe mạnh; xuất phát từ vùng, cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc không có bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và Việt Nam;
+ Có Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam.
– Đối với sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm:
+ Có nguồn gốc từ động vật đáp ứng quy định;
+ Có Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam;
+ Được giết mổ, sơ chế, chế biến tại cơ sở sản xuất đã đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam.
– Đối với sản phẩm động vật không dùng làm thực phẩm:
+ Được lấy từ động vật khỏe mạnh, xuất phát từ vùng, cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc không có nguy hiểm;
+ Có Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam;
+ Trường hợp sử dụng để sản xuất con giống thì phải có nguồn gốc từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc không có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và Việt Nam.
Lưu ý:
Cục Thú y thực hiện việc kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng
3. Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 90/2017/NĐ- CP tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt khi có dấu hiệu vi phạm như sau:
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật chứng nhận không đúng ghi nơi đến không phải là Việt Nam.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối hành vi không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.
– Ngoài ra, còn kèm theo các hình thức xử phạt khác như: xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Hình thức xử phạt bổ sung:Tịch thu các loại Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi mua bán, tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật chứng nhận không đúng ghi nơi đến không phải là Việt Nam; không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.
Kết luận: Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu mang theo người dựa theo các quy định Luật Thú y 2015, Nghị định 90/2017/NĐ-CP, Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:
Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu mang theo người