3. Cấp Giấy phép kinh doanh cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa
Tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài khi thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa ở Việt Nam thì cần được cấp Giấy phép kinh doanh. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Thương mại 2005, Luật Đầu tư 2020, Luật số 03/2016/QH14, Luật Quản lý ngoại thương 2017, Nghị định 09/2018/NĐ-CP như sau:
1. Khái niệm
– Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh (khoản 21 Điều 3 Luật Đấu tư 2020).
– Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông (khoản 22 Điều 3 Luật Đấu tư 2020).
– Hàng hóa bao gồm:
+ Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
+ Những vật gắn liền với đất đai (khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005).
– Phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại (khoản 4 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP).
2. Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như sau (khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý ngoại thương 2017):
– Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Thực hiện quyền xuất khẩu thông qua mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu;
– Thực hiện quyền nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam.
3. Lưu ý
– Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau (khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP):
+ Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí;
+ Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm các hàng hóa nêu trên.
– Ngoài các trường hợp không đáp ứng điều kiện theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP, Cơ quan cấp Giấy phép từ chối cấp Giấy phép kinh doanh trong trường hợp sau (Điều 21 Nghị định 09/2018/NĐ-CP):
+ Thời hạn hoạt động của dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa đã hết.
+ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh trong thời hạn 02 năm kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định này.
Kết luận: Tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài khi thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa ở Việt Nam cần lưu ý các quy định tại Luật Thương mại 2005, Luật Đầu tư 2020, Luật Quản lý ngoại thương 2017, Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy phép kinh doanh cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa