5. Thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa nước
Trong quá trình hoạt động các cá nhận, tổ chức có thể thực hiện thủ tục Thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa nước. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật Thủy lợi 2017 (sửa đổi, bổ sung 2020), Nghị định 114/2018/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Hồ chứa nước là công trình được hình thành bởi đập dâng nước và các công trình có liên quan để tích trữ nước, có nhiệm vụ chính là điều tiết dòng chảy, cắt, giảm lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, phát điện và cải thiện môi trường; bao gồm hồ chứa thủy lợi và hồ chứa thủy điện. Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 114/2018/NĐ-CP.
2. Nội dung thẩm định
Theo khoản 5 Điều 12 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, nội dung thẩm định bao gồm:
– Kiểm tra cơ sở pháp lý, sự cần thiết phải lập quy trình vận hành hồ chứa nước và hồ sơ trình thẩm định;
– Kiểm tra, đánh giá độ tin cậy các tài liệu sử dụng trong tính toán, kết quả tính toán các trường hợp vận hành;
– Nhận xét, đánh giá tính hợp lý, khả thi của dự thảo quy trình vận hành.
3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định quy trình vận hành hồ chứa
Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định quy trình vận hành hồ chứa được quy định như sau:
– Tổng cục Thủy lợi tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành đối với hồ chứa nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương.
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành đối với hồ chứa thủy lợi thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Sở Công Thương tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thủy lợi thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Lưu ý: Trường hợp cần thiết, cơ quan phê duyệt quy trình vận hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy trình vận hành hồ chứa nước.
4. Cơ quan thẩm định lấy ý kiến
Theo khoản 4 Điều 12 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, cơ quan thẩm định lấy ý kiến về dự thảo quy trình vận hành theo quy định sau:
– Đối với quy trình vận hành hồ chứa nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, cơ quan thẩm định lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân liên quan và chuyên gia; trình cấp thẩm quyền lấy ý kiến của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan;
– Đối với dự thảo quy trình vận hành hồ chứa nước trên địa bàn thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp huyện; tổ chức, cá nhân liên quan và chuyên gia;
– Đối với quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện, lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp xã; tổ chức, cá nhân liên quan và chuyên gia.
5. Thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa nước
Theo khoản 7 Điều 12 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa nước được quy định cụ thể như sau:
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi quan trọng đặc biệt và hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ có liên quan đến 02 tỉnh trở lên;
– Bộ Công Thương phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt và hồ chứa thủy điện được xây dựng trên địa bàn 02 tỉnh trở lên;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, công bố công khai hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi trên địa bàn, trừ hồ chứa được quy định tại điểm a khoản này và khoản 8 Điều này; phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, trừ hồ chứa được quy định tại điểm b khoản này và khoản 8 Điều này.
Lưu ý: Theo khoản 8 Điều 12 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, Đối với hồ chứa nước nhỏ, tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác phải lập quy trình vận hành và công bố công khai.
6. Điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước
Theo khoản 9 Điều 12 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước được quy định như sau:
– Khi nhu cầu dùng nước hoặc nguồn nước, quy mô, nhiệm vụ công trình thay đổi hoặc quy trình vận hành không còn phù hợp thì phải điều chỉnh quy trình vận hành;
– Nội dung, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước thực hiện theo quy định tại Điều 11; khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này.
7. Quy trình vận hành được phê duyệt, công bố công khai
Theo khoản 10 Điều 12 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, quy trình vận hành được phê duyệt, công bố công khai theo quy định sau:
– Công bố trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan phê duyệt, cơ quan thẩm định, chủ quản lý và tổ chức, cá nhân khai thác đối với hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, lớn, vừa;
– Công khai quy trình vận hành tại trụ sở tổ chức khai thác, công trình đầu mối và Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đối với hồ chứa nước nhỏ.
Kết luận: Khi thực hiện Thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa nước cần gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời lưu ý các yêu cầu quy định tại Luật Thủy lợi 2017 (sửa đổi, bổ sung 2020), Nghị định 114/2018/NĐ-CP.
Chi tiết trình tư, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa nước