22. Công nhận kết quả khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

Posted on

Khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là thủ tục cần thiết đổi với cơ sở sản xuất. Kết quả khảo nghiệm sau đó cũng phải được công nhận mới có giá trị pháp lý. Dưới đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ đề cập điều kiện, thủ tục công nhận kết quả khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Nghị định 12/2020/NĐ-CP, Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT.

1. Khái niệm

Khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là quá trình kiểm tra, đánh giá, xác định đặc tính, công dụng, tác động của thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đến môi trường nuôi, an toàn thực phẩm thủy sản nuôi. (khoản 16 Điều 3 Luật Thủy sản 2017)

Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải được khảo nghiệm trong trường hợp có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không có tên trong:

+ Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

+ Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam căn cứ kết quả khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc kết quả rà soát, điều tra, đánh giá thực tiễn;

(khoản 1 Điều 35 Luật Thủy sản 2017)

2. Cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng điều kiện (khoản 2 Điều 35 Luật Thủy sản 2017)

– Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;

– Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc khảo nghiệm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:

+ Có phòng thử nghiệm đủ năng lực để phân tích và đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật theo đề cương khảo nghiệm

+ Trường hợp khảo nghiệm trong giai đoạn sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập. Trường hợp khảo nghiệm trong giai đoạn nuôi thương phẩm phải đáp ứng có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với đối tượng và hình thức nuôi (khoản 1 Điều 31 Nghị định 26/2019/NĐ-CP).

– Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường: Khu nuôi khảo nghiệm có biện pháp ngăn cách với các khu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản thương phẩm khác. Không để sản phẩm, bao bì của sản phẩm khảo nghiệm gây ô nhiễm môi trường (theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 26/2019/NĐ-CP).

3. Nội dung khảo nghiệm (Điều 33 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

 3.1 Nội dung khảo nghiệm thức ăn thủy sản:

– Kiểm tra thành phần, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trước khi tiến hành khảo nghiệm;

– Đánh giá đặc tính, công dụng của sản phẩm: Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển; tỷ lệ nuôi sống qua các giai đoạn phát triển của đối tượng khảo nghiệm; hệ số chuyển hóa thức ăn; các chỉ tiêu kỹ thuật khác nêu trong hồ sơ sản phẩm;

– Đánh giá độ an toàn đối với sức khỏe con người, đối tượng nuôi và môi trường trong quá trình sử dụng: Dư lượng kháng sinh, hóa chất độc hại trong thủy sản khảo nghiệm và môi trường (nêu cụ thể trong đề cương khảo nghiệm); đánh giá biến động các chỉ tiêu môi trường.

3.2 Nội dung khảo nghiệm sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản gồm

– Kiểm tra thành phần, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trước khi tiến hành khảo nghiệm;

– Đánh giá đặc tính, công dụng của sản phẩm thông qua đánh giá sự biến động các chỉ tiêu vật lý, hóa học và sinh học trong môi trường nuôi; các chỉ tiêu kỹ thuật khác nêu trong hồ sơ sản phẩm;

– Đánh giá độ an toàn đối với sức khỏe con người, đối tượng nuôi và môi trường trong quá trình sử dụng: Tồn dư thành phần của sản phẩm trong môi trường và trong động vật khi thu hoạch đối với sản phẩm có thành phần là hóa chất; dư lượng kim loại nặng trong môi trường, trong động vật khi thu hoạch; tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng của đối tượng nuôi.

4. Công nhận kết quả khảo nghiệm

– Sau khi kết thúc khảo nghiệm, cơ sở có thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khảo nghiệm báo cáo kết quả khảo nghiệm về Tổng cục Thủy sản. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả khảo nghiệm, Tổng cục Thủy sản tổ chức đánh giá kết quả khảo nghiệm và ban hành quyết định công nhận hoặc không công nhận.

– Sau khi công nhận kết quả khảo nghiệm, Tổng cục Thủy sản trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vào Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam (khoản 5 Điều 32 Nghị định 26/2019/NĐ-CP).

5. Xử phạt vi phạm hành chính

Vi phạm quy định về khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (Điều 16 Nghị định 42/2019/NĐ-CP):

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi công bố không đúng kết quả khảo nghiệm.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính kết quả khảo nghiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Kết luận: Như vậy, việc công nhận kết quả khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cần phải tuân theo các quy định pháp luật tại Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Nghị định 12/2020/NĐ-CP, Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Công nhận kết quả khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản