3. Cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu cá

Posted on

Tổ chức, cá nhân trong một số trường hợp phải thực hiện đăng ký tạm thời tàu cá để được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu cá. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Thủy sản 2017, Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT như sau:

1. Khái niệm

Tàu cá là phương tiện thủy có lắp động cơ hoặc không lắp động cơ, bao gồm tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. (khoản 20 Điều 3 Luật Thủy sản 2017)

Đăng ký tàu cá là việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với tàu cá nhằm xác lập quyền sở hữu và nghĩa vụ của chủ tàu. (khoản 8 điều 3 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT)

2. Các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời

Theo khoản 1 Điều 23 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT, tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời trong các trường hợp sau đây:

– Tàu chưa có biên lai nộp lệ phí trước bạ;

– Tàu đóng mới để di chuyển về nơi đăng ký chính thức;

– Tàu nhập khẩu, thuê tàu trần từ nước ngoài về cảng đầu tiên của Việt Nam.

3. Cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu cá

– Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu cá, tàu công vụ thủy sản có giá trị tối đa là 90 ngày kể từ ngày cấp (khoản 4 Điều 23 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT)

Thẩm quyền đăng ký tạm thời tàu cá: cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cấp đăng ký tạm thời tàu cá trên địa bàn. (khoản 1 Điều 21 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT)

– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ theo khoản 2 Điều 23 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT, cần lưu ý những điểm sau:

+ Đối với giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, hợp đồng đóng tàu, biên bản nghiệm thu xuất xưởng thì nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính

+ Đối với tàu nhập khẩu, thuê tàu trần từ nước ngoài về cảng đầu tiên của Việt Nam thì lưu ý cần nộp bản sao có chứng thực giấy chứng nhận xóa đăng ký đối với trường hợp tàu đã qua sử dụng, hợp đồng đóng tàu và thanh lý hợp đồng đóng tàu đối với tàu đóng mới, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật hoặc giấy chứng nhận phân cấp còn hiệu lực từ 06 tháng trở lên do tổ chức đăng kiểm nước có tàu cấp

– Tổ chức, cá nhân tiến hành thủ tục theo khoản 3 Điều 13 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT, cần lưu ý những điểm sau:

+ Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ;

+ Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân bổ sung;

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu cá; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu cá, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

+ Cơ quan có thẩm quyền quy định tại trả kết quả trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.

Lưu ý:

– Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải được đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo quy định. Tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét do Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê phục vụ công tác quản lý. (khoản 1 Điều 71 Luật Thủy sản 2017)

– Tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá khi đáp ứng các điều kiện sau đây: (khoản 3 Điều 71 Luật Thủy sản 2017)

+ Có giấy tờ chứng minh về sở hữu hợp pháp tàu cá;

+ Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá quy định phải đăng kiểm;

+ Có giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký tàu cá đối với trường hợp thuê tàu trần; giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá đối với trường hợp nhập khẩu, mua bán, tặng cho hoặc chuyển tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Chủ tàu cá có trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú tại Việt Nam.

– Trong cùng một thời gian, mỗi tàu cá chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký và chỉ được cấp một giấy chứng nhận đăng ký. (khoản 2 Điều 19 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT)

– Cơ quan đăng ký tàu cá có trách nhiệm ghi vào Sổ đăng ký tàu cá quốc gia trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá. (khoản 3 Điều 19 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT)

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Sau 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu cá, cá nhân tiếp tục hoạt động tàu cá mà không đăng ký tàu cá thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (khoản 2 Điều 37 Nghị định 42/2019/NĐ-CP)

Kết luận: Cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu cá là một thủ tục quan trọng, nhằm cho phép sử dụng tạm thời tàu cá trước khi đăng ký tàu cá. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị đăng ký tạm thời tàu cá đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh, đồng thời tuân thủ quy định Luật Thủy sản 2017, Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu cá