7. Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (theo yêu cầu)

Posted on

Để được cấp, cấp lại giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu tại cơ quan có thẩm quyền. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Thủy sản 2017, Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT.

1. Khái niệm

Chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác là việc chứng nhận của cơ quan thẩm quyền đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ khai thác không vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. (khoản 5 Điều 3 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT)

2. Cấp Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (theo yêu cầu)

2.1. Thẩm quyền chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (Điều 9 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT)

– Tổ chức quản lý cảng cá được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước về khối lượng, thành phần loài thủy sản, vùng và thời gian khai thác đối với tàu cá bốc dỡ thủy sản tại cảng cá khi có yêu cầu.

– Cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh được công bố trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước không vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

2.2. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (Điều 19 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT)

– Cung cấp đúng, đầy đủ thông tin ghi trong Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, Giấy xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu; ký xác nhận và chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp.

– Lưu trữ hồ sơ xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được xác nhận, chứng nhận.

– Phối hợp với cơ quan thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin, giải trình những vướng mắc theo yêu cầu cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu đối với lô hàng xuất khẩu.

2.3. Kiểm tra việc thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (Điều 13 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT)

 Cơ quan kiểm tra: Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

– Đối tượng được kiểm tra: Cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh; tổ chức quản lý cảng cá được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản có thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

– Nội dung kiểm tra:

+ Kiểm tra về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện việc chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác;

+ Kiểm tra về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện việc kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng cá.

– Xử lý kết quả kiểm tra: Trong trường hợp phát hiện có vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan kiểm tra xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định đối với vi phạm có hệ thống quy trình thẩm định chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

3. Cấp lại Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác

– Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác được cấp lại trong các trường hợp: Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác bị rách, nát không còn nguyên vẹn; bị mất; có thay đổi thông tin trong giấy chứng nhận. (khoản 3 Điều 11 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT)

Giấy chứng nhận cấp lại phải có số trùng với số của bản gốc Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác đã cấp và có thêm ký hiệu “R” ở phần “số giấy chứng nhận”; cơ quan thẩm quyền cấp giấy thông báo việc cấp lại Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho các cơ quan thẩm quyền có liên quan. (khoản 5 Điều 11 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT)

Lưu ý

– Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác được cấp trước ngày 01/01/2019 thì được tiếp tục sử dụng. (khoản 1 Điều 21 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT)

– Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (nếu có) đến một trong số cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định. (khoản 1 Điều 11 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT)

– Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan thẩm quyền kiểm tra thông tin, thẩm định hồ sơ và thực hiện:

+ Chứng nhận khi thông tin trong Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác được kê khai đầy đủ và đúng với thông tin về tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác;

+ Không chứng nhận khi thông tin kê khai trong hồ sơ không đúng với thông tin về tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; trường hợp không chứng nhận, cơ quan thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận nộp phí và lệ phí theo quy định. (khoản 6 Điều 11 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT)

Kết luận: Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác là một thủ tục quan trọng. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền theo chỉ định, đồng thời tuân thủ quy định của Luật Thủy sản 2017, Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (theo yêu cầu)