4. Phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Trẻ em cần được bảo vệ để bảo đảm được sống an toàn và lành mạnh. Các cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm giảm thiểu hoặc ngăn chặn các hành vi này. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm cơ bản
Hỗ trợ là một cấp độ bảo vệ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. (theo khoản 1 Điều 49 Luật trẻ em 2016)
Can thiệp là một cấp độ bảo vệ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. (theo khoản 1 Điều 50 Luật trẻ em 2016)
Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. (theo khoản 5 Điều 4 Luật trẻ em 2016)
Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. (theo khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em 2016)
Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm Mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi. (theo khoản 7 Điều 4 Luật trẻ em 2016)
Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. (theo khoản 9 Điều 4 Luật trẻ em 2016)
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ Điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng. (theo khoản 10 Điều 4 Luật trẻ em 2016)
2. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp:
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan lao động – thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc (sau đây gọi là nơi tiếp nhận thông tin) tiếp nhận thông tin và có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại. (theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 56/2017/NĐ-CP)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc chỉ đạo người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tiến hành việc đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại của trẻ em để có cơ sở áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp. (theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 56/2017/NĐ-CP)
Sau khi đánh giá ban đầu về nguy cơ và mức độ tổn hại của trẻ em, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã thực hiện hoặc yêu cầu Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hỗ trợ thực hiện việc thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể. (theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 56/2017/NĐ-CP)
Căn cứ mức độ tổn hại và nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em, trong thời hạn 05 ngày làm việc, trừ trường hợp khẩn cấp, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt. (theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 56/2017/NĐ-CP)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trong thời hạn 02 ngày làm việc trừ trường hợp khẩn cấp. (theo khoản 4 Điều 28 Nghị định 56/2017/NĐ-CP)
Lưu ý:
– Bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. (theo khoản 2 Điều 47 Luật trẻ em 2016)
Đáp ứng nguyên tắc bảo mật theo quy định tại Điều 24 Nghị định 56/2017/NĐ-CP như sau:
– Mọi thông tin, thông báo, tố giác trong quá trình tiếp nhận, xác minh phải được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em có liên quan.
– Quá trình cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ cho việc bảo vệ trẻ em giữa nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em phải được bảo mật.
– Thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em phải xác định mức độ bảo mật và phạm vi cung cấp thông tin, báo cáo.
Kết luận: Các cơ quan có thẩm quyền cần có các biện pháp kịp thời nhằm bảo vệ trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định tại Luật trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mâu, thực hiện tại đây