18. Sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực của Quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ

Posted on

Quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ trong một số trường hợp bị buộc phải chuyển giao. Khi căn cứ chuyển giao thay đổi, Quyết định chuyển giao có thể bị sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp các quy định của pháp luật về sửa đổi, đình chỉ hay hủy bỏ hiệu lực Quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019; Nghị định 88/2010/NĐ-CP.

1. Căn cứ và điều kiện bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng

1.1 Căn cứ (theo khoản 1 Điều 195 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019)

 Quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác mà không cần sự đồng ý của chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ chuyển giao quyền sử dụng độc quyền trong các trường hợp sau: 

– Việc sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực và dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội bao gồm: khắc phục các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, ô nhiễm môi trường trên diện rộng. (theo khoản 1 Điều 29 Nghị định 88/2010/NĐ-CP

–  Người có nhu cầu và năng lực sử dụng giống cây trồng không đạt được thỏa thuận với ng­ười nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về việc ký kết hợp đồng sử dụng giống cây trồng mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng;

– Người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh

1.2 Điều kiện chuyển giao (theo khoản 3 Điều 195 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019)

– Quyền sử dụng được chuyển giao không phải là quyền độc quyền;

– Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục đích chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước trừ trường hợp hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm.

– Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;

– Người được chuyển giao quyền sử dụng phải đền bù thỏa đáng cho người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng tùy thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể, phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

2. Thẩm quyền ra của Quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ (theo Điều 28 Nghị định 88/2010/NĐ-CP)

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với những giống cây trồng được bảo hộ thuộc các loài cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với những giống cây trồng được bảo hộ sử dụng với mục đích làm thuốc.

3. Sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ (theo khoản 2 Điều 32 Nghị định 88/2010/NĐ-CP)

– Sửa đổi Quyết định khi điều kiện dẫn đến việc ra quyết định chuyển giao bắt buộc đã thay đổi

– Đình chỉ Quyết định khi điều kiện dẫn đến việc ra quyết định chuyển giao bắt buộc không còn tồn tại;

– Hủy bỏ Quyết định khi có căn cứ chứng minh quyết định chuyển giao bắt buộc là trái quy định pháp luật.

Lưu ý

– Chủ bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của việc chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng khi điều kiện dẫn đến việc chuyển giao đó đã chấm dứt và việc sửa đổi, hủy bỏ, đình chỉ hiệu lực đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng bắt buộc. (theo khoản 2 Điều 197 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019)

– Người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng. (theo khoản 2 Điều 196 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019)

Kết luận: Việc sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực của Quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ phải tuân theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019; Nghị định 88/2010/NĐ-CP

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực của Quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ