4. Thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Thăng hạng chức danh nghề nghiệp là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng ngành, lĩnh vực. Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được pháp luật quy định như thế nào. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý xin được cụ thể nội dung qua Luật Viên chức 2010, Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Văn bản hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019, Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BNV năm 2019, Thông tư 03/2019/TT-BNV như sau.
1. Khái niệm
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (Điều 2 Luật Viên chức 2010).
Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp; được sử dụng làm căn cứ để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. (khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BNV năm 2019).
Hạng chức danh nghề nghiệp là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng ngành, lĩnh vực. (khoản 3 Điều 2 Văn bản hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019).
Thăng hạng chức danh nghề nghiệp là việc viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn trong cùng một ngành, lĩnh vực. (khoản 4 Điều 2 Văn bản hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019).
2. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Viên chức được đăng ký dự thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau (Điều 9 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BNV năm 2019).
– Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu.
– Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 03 năm liên tục gần nhất; có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
– Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn hạng hiện giữ trong cùng ngành, lĩnh vực.
– Đáp ứng các yêu cầu khác do Bộ quản lý viên chức chuyên ngành quy định.
3. Tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Khi tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải xây dựng Đề án thi hoặc xét thăng hạng như sau (khoản 1 Điều 12 Thông tư 03/2019/TT-BNV):
– Báo cáo về số lượng, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;
– Số lượng viên chức ứng với chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm;
– Danh sách viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được cử dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
– Đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, hồ sơ của người đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thời gian thi;
– Dự kiến thành viên tham gia Hội đồng thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
– Dự kiến thời gian, địa điểm và các nội dung khác để tổ chức kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
4. Điều kiện xác định người trúng tuyển trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Điều kiện xác định người trúng tuyển trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (Điều 14 Thông tư 03/2019/TT-BNV)
– Viên chức trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải dự thi đủ các bài thi của các môn thi, trừ những môn được miễn thi theo quy định; có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 55 điểm trở lên, các bài thi được chấm theo thang điểm 100.
– Việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Lưu ý: Viên chức không trúng tuyển không được bảo lưu kết quả cho các kỳ thi hoặc xét tuyển lần sau.
5. Quy trình xét tuyển thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Khoản 2 Điều 38 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định:
– Hằng năm, cơ quan được phân công xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tổ chức, xây dựng đề án gửi cho cơ quan có thẩm quyền phân cấp phê duyệt trước khi thực hiện:
– Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo phân công, phân cấp thành lập Hội đồng thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
+ Thông báo kế hoạch, nội quy, hình thức, nội dung, thời gian và địa điểm thi hoặc xét;
+ Thông báo điều kiện, tiêu chuẩn dự thi hoặc xét;
+ Thành lập bộ phận giúp việc gồm: Ban đề thi, ban coi thi, ban phách, ban chấm thi, ban phúc khảo;
+ Tổ chức thu phí dự thi hoặc dự xét và sử dụng theo quy định;
+ Tổ chức chấm thi hoặc tổ chức xét và phúc khảo theo quy chế;
+ Tổng hợp, báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp công nhận kết quả;
+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức thi hoặc xét theo quy định của pháp luật.
– Cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để ra quyết định bổ nhiệm, xếp lương đối với viên chức đạt kết quả theo phân cấp.
Kết luận: Để thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bạn cần đáp ứng đủ các điều kiện và tuân theo quy trình xét tuyển quy định tại Luật Viên chức 2010, Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Nghị định hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019, Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BNV năm 2019, Thông tư 03/2019/TT-BNV.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức