13. Đổi số thuê bao viễn thông
Doanh nghiệp viễn thông Đổi số thuê bao viễn thông nhằm mục đích phát triển hệ thống viễn thông của đơn vị. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Viễn thông 2009, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm cơ bản
Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác. (khoản 1 Điều 3 Luật Viễn thông 2009)
Thuê bao viễn thông là người sử dụng dịch vụ viễn thông có gắn với việc ấn định tài nguyên viễn thông hoặc đường truyền dẫn viễn thông cụ thể. (khoản 26 Điều 3 Luật Viễn thông 2009)
Số thuê bao viễn thông là một chuỗi các chữ số (hoặc các ký tự) chỉ thị điểm kết cuối duy nhất trong mạng viễn thông bao gồm các thông tin cần thiết để định tuyến cuộc gọi tới điểm kết cuối đó. (khoản 1 Điều 32 Nghị định 25/2011/NĐ-CP)
Đổi số thuê bao viễn thông là việc tổ chức thực hiện thay đổi độ dài, cấu trúc số thuê bao viễn thông đang được sử dụng trên mạng viễn thông. (khoản 2 Điều 32 Nghị định 25/2011/NĐ-CP)
2. Đổi số thuê bao viễn thông
2.1. Các trường hợp đổi số thuê bao viễn thông
– Tăng dung lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao;
– Bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác mạng lưới và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả;
– Điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi quy hoạch kho số viễn thông quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi về công nghệ và chính sách phát triển viễn thông;
– Các trường hợp khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. (khoản 3 Điều 32 Nghị định 25/2011/NĐ-CP)
2.2. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông
– Xây dựng và triển khai kế hoạch đổi số thuê bao viễn thông của doanh nghiệp phù hợp với quy hoạch kho số viễn thông hoặc kế hoạch đổi số thuê bao đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt;
– Thông báo việc đổi số thuê bao viễn thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian ít nhất 60 ngày trước khi tiến hành đổi số thuê bao viễn thông;
– Hướng dẫn người sử dụng dịch vụ viễn thông cách thức quay số sau khi tiến hành đổi số thuê bao viễn thông;
– Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khác thực hiện việc đổi số thuê bao viễn thông;
– Triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa việc mất liên lạc (nếu có) trước, trong và sau quá trình đổi số thuê bao viễn thông;
– Báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông về kết quả đổi số thuê bao viễn thông.
(khoản 4 Điều 32 Nghị định 25/2011/NĐ-CP)
Lưu ý: Doanh nghiệp viễn thông không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gián tiếp hoặc nguồn lợi của bên yêu cầu đổi số thuê bao trong quá trình đổi số thuê bao viễn thông (khoản 5 Điều 32 Nghị định 25/2011/NĐ-CP)
2.3. Hình thức đổi số thuê bao và thẩm quyền phê duyệt đổi số thuê bao viễn thông
– Đổi số thuê bao viễn thông nhưng không thay đổi độ dài, cấu trúc số thuê bao viễn thông
+ Đổi dưới 10.000 số thuê bao viễn thông đã cấp cho thuê bao viễn thông trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: đảm bảo thực hiện trách nhiệm tại khoản 4 Điều 32 Nghị định 25/2011/NĐ-CP và thông báo cho cơ quan quản lí chuyên ngành về viễn thông
+ Đổi trên 10.000 số thuê bao viễn thông đã cấp cho thuê bao viễn thông hoặc phạm vi đổi số thuộc hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên: phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lí chuyên ngành về viễn thông ít nhất 90 ngày trước ngày đổi số thuê bao và thực hiện đổi khi có văn bản chấp thuận
– Đổi số thuê bao viễn thông có thay đổi độ dài, cấu trúc số thuê bao viễn thông: Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đổi số và trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt (Điều 33 Luật Viễn thông 2009)
3. Xử lí vi phạm hành chính
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi tiến hành đổi số thuê bao viễn thông;
+ Không hướng dẫn người sử dụng dịch vụ viễn thông cách thức quay số sau khi tiến hành đổi số thuê bao viễn thông;
+ Không báo cáo bằng văn bản tới Bộ Thông tin và Truyền thông khi đổi số thuê bao viễn thông theo quy định.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đổi số thuê bao viễn thông không đúng với hồ sơ đề nghị đổi số thuê bao viễn thông hoặc không đúng với văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Đổi số thuê bao viễn thông khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định;
+ Không triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa việc mất liên lạc trước, trong và sau quá trình đổi số thuê bao viễn thông. (Điều 29 Nghị định 174/2013/NĐ-CP)
Kết luận: Doanh nghiệp viễn thông sẽ được Đổi số thuê bao viễn thông sau khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lí chuyên ngành về viễn thông theo quy định của Luật Viễn thông 2009, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Chi tiết thủ tục, mẫu đơn xem tại đây: