14. Cấp/cấp lại/sửa đổi bổ sung phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Doanh nghiệp viễn thông có quyền yêu cầu Cấp/cấp lại/sửa đổi bổ sung phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Viễn thông 2009, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm cơ bản
Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác. (khoản 1 Điều 3 Luật Viễn thông 2009)
2. Phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
2.1. Điều kiện cấp phép:
Tổ chức Việt Nam và tổ chức nước ngoài khi có đủ điều kiện dưới đây sẽ được cấp phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển (khoản 1 Điều 37 Luật Viễn thông 2009):
– Cam kết tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam;
– Cam kết không gây ô nhiễm môi trường biển;
– Cam kết không thực hiện hoạt động khác ngoài việc khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa tuyến cáp viễn thông;
– Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tuyến cáp cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông;
– Chịu sự kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa tuyến cáp trong vùng biển Việt Nam và chịu mọi chi phí cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn.
Lưu ý:
– Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, có thời hạn không quá 25 năm được cấp cho tổ chức lắp đặt cáp viễn thông trên biển cập bờ hoặc đi qua vùng nội thủy, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (khoản 3 Điều 34 Luật Viễn thông 2009)
– Thẩm quyền cấp phép thuộc về Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (điểm đ khoản 1 Điều 18 Nghị định 25/2011/NĐ-CP)
2.2. Điều kiện sửa đổi, bổ sung
– Trong thời hạn còn hiệu lực của giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển đối với trường hợp thay đổi về tên tổ chức được cấp phép, thay đổi thông tin về tuyến cáp được lắp đặt. (khoản 3 Điều 25 Nghị định 25/2011/NĐ-CP)
Lưu ý:
– Trường hợp thay đổi địa chỉ trụ sở chính, tổ chức được cấp phép không phải làm thủ tục sửa đổi giấy phép viễn thông nhưng phải thông báo trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chính thức thay đổi (khoản 3 Điều 25 Nghị định 25/2011/NĐ-CP)
– Việc sửa đổi, bổ sung phải phù hợp với các quy định về quản lý tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông (khoản 7 Điều 57 Luật Quy hoạch 2017)
2.3. Điều kiện gia hạn:
– It nhất 90 ngày trước ngày giấy phép hết hạn, tổ chức phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn đến cơ quan quản lí chuyên ngành (khoản 4 Điều 25 Nghị định 25/2011/NĐ-CP)
Lưu ý:
– Tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép viễn thông không được vượt quá thời hạn tối đa quy định (không quá 25 năm)
– Trường hợp giấy phép có thời hạn cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép đó thì khi giấy phép hết hạn sử dụng, chỉ được xem xét gia hạn không quá một năm. (khoản 1 Điều 38 Luật Viễn thông 2009)
2.4. Điều kiện cấp lại:
– Xem xét việc thực hiện nội dung quy định trong giấy phép viễn thông đã cấp và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông cùng với việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Viễn thông 2009, doanh nghiệp viễn thông sẽ được cấp lại giấy phép. (khoản 2 Điều 38 Luật Viễn thông 2009)
2.5. Thu hồi Giấy phép
Tổ chức bị thu hồi giấy phép viễn thông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 39 Luật Viễn thông 2009):
– Quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Viễn thông 2009);
– Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo để được cấp giấy phép viễn thông;
– Hoạt động không phù hợp với nội dung giấy phép viễn thông được cấp, gây hậu quả nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
– Không triển khai trên thực tế nội dung quy định trong giấy phép viễn thông được cấp sau thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp giấy phép;
– Không thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông khi ngừng cung cấp các dịch vụ viễn thông theo giấy phép viễn thông được cấp một năm liên tục.
Lưu ý:
– Tổ chức bị thu hồi giấy phép viễn thông trong trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này sau thời hạn một năm kể từ ngày bị thu hồi giấy phép có quyền đề nghị cấp giấy phép viễn thông, nếu đã khắc phục hậu quả gây ra và có đủ điều kiện để được cấp giấy phép viễn thông theo quy định tại Luật này (khoản 2 Điều 39 Luật Viễn thông 2009).
3. Xử lí vi phạm hành chính
Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi lắp đặt cáp viễn thông trên biển nhưng không có giấy phép. (khoản 4 Điều 15 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
Kết luận: Doanh nghiệp viễn thông sẽ được Cấp/cấp lại/sửa đổi bổ sung phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Luật Viễn thông 2009, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Chi tiết thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Cấp lại phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Sửa đổi bổ sung phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam