15. Chỉ định tổ chức thử nghiệm lĩnh vực thông tin và truyền thông
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị sản xuất có quyền yêu cầu Chỉ định tổ chức thử nghiệm lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Luật Viễn thông 2009, Nghị định 54/2009/NĐ-CP, Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 154/2018/NĐ-CP.
1 Một số khái niệm cơ bản:
Theo Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 25 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định công bố danh sách để tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lựa chọn sử dụng dịch vụ đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước.
Thử nghiệm là thao tác kỹ thuật nhằm xác định một hay nhiều đặc tính của sản phẩm, hàng hóa theo một quy trình nhất định.
2 Tổ chức thử nghiệm lĩnh vực thông tin và truyền thông
2.1. Điều kiện tổ chức chỉ định thử nghiệm:
– Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP với lĩnh vực thử nghiệm đăng ký chỉ định;
– Phải thực hiện việc thử nghiệm thành thạo hoặc so sánh liên phòng đối với phương pháp thử của sản phẩm, hàng hóa đăng ký chỉ định.
Đối với các phép thử chưa có điều kiện để thử nghiệm thành thạo hoặc so sánh liên phòng thì phải bổ sung hồ sơ phương pháp thử, xác nhận giá trị sử dụng của phương pháp thử và chất chuẩn để kiểm soát chất lượng thử nghiệm. (khoản 3 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP)
Lưu ý: Tổ chức thử nghiệm được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Điều 3 Nghị định 154/2018/NĐ-CP đáp ứng các điều kiện sau:
– Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.
– Có ít nhất 04 thử nghiệm viên chính thức của tổ chức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn), được đào tạo về tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.
– Trường hợp bổ sung lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, phải có ít nhất 02 thử nghiệm viên chính thức của tổ chức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn) tương ứng với lĩnh vực thử nghiệm đăng ký bổ sung, được đào tạo về tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.
– Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông được cấp khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Dịch vụ được đề nghị thử nghiệm là dịch vụ viễn thông chưa được quy định trong giấy phép viễn thông đã được cấp hoặc dịch vụ viễn thông có sử dụng tài nguyên viễn thông ngoài tài nguyên viễn thông đã được phân bổ;
+ Phạm vi và quy mô thử nghiệm được giới hạn để đánh giá công nghệ, thị trường trước khi kinh doanh chính thức;
+ Phương án thử nghiệm phù hợp với quy định về kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông. (khoản 3 Điều 37 Luật Viễn thông 2009)
2.2. Đăng kí thử nghiệm:
– Người sản xuất có quyền tự lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trường hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm theo yêu cầu quản lý nhà nước thì người sản xuất lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định của Nhà nước (khoản 3 Điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007)
– Tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân đề nghị hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định và cung cấp kết quả (khoản 1,3 Điều 19 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007)
– Quy định về thử nghiệm:
+ Thử nghiệm phục vụ hoạt động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh: theo thoả thuận với tổ chức thử nghiệm;
+ Thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước: tại phòng thử nghiệm được chỉ định. (khoản 1 Điều 25 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007)
3 Xử lí vi phạm hành chính
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với tổ chức thử nghiệm hành vi vi phạm quy định về công nhận năng lực, bộ máy tổ chức, trình tự, thủ tục, cung cấp kết quả thử nghiệm.
– Phạt bổ sung và khắc phục hậu quả: tước quyền sử dụng giấy công nhận đủ năng lực hoạt động; thu hồi giấy chứng nhận đã cấp, thực hiện lại và chịu mọi chi phí thử nghiệm
(Điều 19 Nghị định 54/2009/NĐ-CP)
Kết luận: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị sản xuất có quyền yêu cầu Chỉ định tổ chức thử nghiệm lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Luật Viễn thông 2009, Nghị định 54/2009/NĐ-CP, Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 154/2018/NĐ-CP.
Chi tiết thủ tục, mẫu đơn xem tại đây:
Chỉ định tổ chức thử nghiệm lĩnh vực thông tin và truyền thông