20. Cấp, phân bổ địa chỉ IP (v4, v6)

Posted on

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và quyết định Cấp, phân bổ địa chỉ IP (v4, v6) khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật viễn thông 2009, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT, Thông tư số 208/2016/TT-BTC, Thông tư số 06/2019/TT-BTTTT.

1. Khái niệm

Internet là hệ thống thông tin toàn cầu sử dụng giao thức Internet và tài nguyên Internet để cung cấp các dịch vụ và ứng dụng khác nhau cho người sử dụng dịch vụ viễn thông (khoản 14 Điều 3 Luật viễn thông 2009).

Tài nguyên Internet là tập hợp tên và số thuộc quyền quản lý của Việt Nam được quy hoạch thống nhất để bảo đảm cho hoạt động Internet (khoản 22 Điều 3 Luật viễn thông 2009).

Tài nguyên Internet bao gồm tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng và tên, số khác theo quy định của các tổ chức viễn thông và Internet quốc tế (khoản 22 Điều 3 Luật viễn thông 2009)

2. Nguyên tắc cấp và phân bổ địa chỉ IP

Căn cứ theo Điều 22 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 06/2019/TT-BTTTT:

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thiết lập mạng kết nối với Internet được quyền đề nghị cấp, phân bổ địa chỉ IP (khuyến khích việc đăng ký sử dụng địa chỉ IPv6) để sử dụng nội bộ hoặc cấp lại cho khách hàng có kết nối đến mạng cung cấp dịch vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (trong trường hợp được cung cấp dịch vụ Internet) và được đề nghị thay đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng địa chỉ IP trong các trường hợp sau:

– Cơ quan, tổ chức đổi tên theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

– Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc thay đổi chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn tới sự thay đổi về tổ chức quản lý, vận hành mạng lưới, dịch vụ đang sử dụng vùng địa chỉ IP;

– Tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, dẫn tới sự thay đổi về tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành mạng lưới, dịch vụ đang sử dụng vùng địa chỉ IP.”.

Địa chỉ IP được cấp, phân bổ cho nhu cầu sử dụng thực tế và có giá trị sử dụng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động Internet phải đảm bảo:

– Thực hiện việc định tuyến các vùng địa chỉ IP ở Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (VNNIC);

– Không được định tuyến những vùng địa chỉ IP nằm ngoài danh mục quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (VNNIC) trừ trường hợp kết nối với cổng quốc tế;

– Phối hợp với VNNIC về kỹ thuật và chính sách định tuyến để đảm bảo hệ thống DNS quốc gia và trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX), Internet Việt Nam hoạt động an toàn, hiệu quả;

– Có kế hoạch đưa địa chỉ IPv6 đi vào hoạt động phù hợp kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Quá thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày cấp, phân bổ mà địa chỉ không được đưa vào sử dụng trên mạng sẽ bị thu hồi, nếu không giải trình được mục đích sử dụng chính đáng trên mạng lưới.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng địa chỉ IP phải có văn bản hoàn trả gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (VNNIC). Các vùng địa chỉ hoàn trả sẽ được cấp, phân bổ lại cho những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác có nhu cầu.

Trong giai đoạn cạn kiệt IPv4:

– Việc cấp, phân bổ mới IPv4 áp dụng theo chính sách cấp phát hạn chế quy định bởi tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), được công bố tại địa chỉ www.apnic.net;

– Việc nhận địa chỉ IP trực tiếp từ các tổ chức quốc tế phải tuân thủ theo quy định của các tổ chức quản lý tài nguyên địa chỉ quốc tế và quy định tại Điều 27 Thông tư này. Vùng địa chỉ IP quốc tế sau khi hoàn tất các thủ tục tiếp nhận vào Việt Nam theo quy định sẽ được coi là tài nguyên Internet và chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên Internet;

– Việc cấp, phân bổ lại các vùng địa chỉ IPv4 sau thu hồi hoặc hoàn trả của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ theo các quy định và quy trình thủ tục tại Điều 24 Thông tư này.

3. Phân bổ địa chỉ IP

3.1 Nguyên tắc phân bổ

Căn cứ theo khoản 1 Điều 48 Luật viễn thông 2009, Việc phân bổ, ấn định, cấp, đăng ký (sau đây gọi là phân bổ) địa chỉ IP được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

– Phù hợp với quy hoạch địa chỉ IP;

– Bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong việc phân bổ địa chỉ IP;

– Bảo đảm sử dụng địa chỉ IP được phân bổ hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích;

– Ưu tiên phân bổ địa chỉ IP cho tổ chức có năng lực cung cấp dịch vụ viễn thông nhanh chóng trên thực tế; cung cấp dịch vụ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và phục vụ hoạt động viễn thông công ích;

– Ưu tiên phân bổ địa chỉ IP cho tổ chức có năng lực ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ, dịch vụ.

3.2 Phương thức phân bổ

Căn cứ theo khoản 2 Điều 48 Luật viễn thông 2009, Việc phân bổ địa chỉ IP được thực hiện theo các phương thức sau đây:

– Đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng địa chỉ IP có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ;

– Trực tiếp theo quy hoạch trên cơ sở tổ chức, cá nhân đăng ký trước được xét cấp trước hoặc được quyền sử dụng trước, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

– Các phương thức phân bổ khác theo quy định của pháp luật.

3.3 Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phân bổ địa chỉ IP

Căn cứ theo khoản 3 Điều 48 Luật viễn thông 2009, Tổ chức, cá nhân được phân bổ địa chỉ IP có trách nhiệm:

– Sử dụng, cho thuê, cấp lại địa chỉ IP được phân bổ theo đúng mục đích, phạm vi, đối tượng theo quyết định phân bổ và quy định quản lý và sử dụng địa chỉ IP;

– Định kỳ hoặc theo yêu cầu báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về kế hoạch và tình hình sử dụng địa chỉ IP đã được phân bổ;

– Nộp tiền đấu giá trong trường hợp được phân bổ địa chỉ IP thông qua đấu giá;

– Nộp phí sử dụng, lệ phí phân bổ địa chỉ IP.

Lưu ý:

Tổ chức, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng địa chỉ IP phải hoàn trả cho cơ quan quản lý kho số viễn thông, tài nguyên Internet (khoản 3 Điều 48 Luật viễn thông 2009).

4. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ IPv6

Căn cứ theo Điều 18 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP:

Công nghệ IPv6 thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Hoạt động nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu các thiết bị, phần mềm và hoạt động ứng dụng công nghệ IPv6 khác được hưởng các mức ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật công nghệ cao.

Khuyến khích, tạo Điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đầu tư phát triển hệ thống mạng sử dụng công nghệ IPv6.

Cơ quan nhà nước khi đầu tư, mua sắm các thiết bị mới có kết nối Internet phải bảo đảm các thiết bị này có hỗ trợ công nghệ IPv6 theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ và lộ trình bảo đảm tất cả thiết bị, phần mềm viễn thông và công nghệ thông tin kết nối Internet được sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam phải ứng dụng công nghệ IPv6, hướng tới ngừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu thiết bị, phần mềm không hỗ trợ công nghệ IPv6.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc đưa nội dung về công nghệ IPv6 vào chương trình đào tạo của các trường đại học và cao đẳng thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

5. Cấp, phân bổ lại các vùng địa chỉ IPv4 sau hoàn trả hoặc thu hồi

Căn cứ theo Điều 24 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT:

Việc cấp, phân bổ lại các vùng địa chỉ IPv4 tại Việt Nam sau hoàn trả hoặc thu hồi không bị điều chỉnh theo các quy định tại điểm a khoản 5 Điều 22 Thông tư này.

Các vùng địa chỉ IPv4 còn trống do thu hồi hoặc hoàn trả từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam được cấp, phân bổ lại cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng theo các nguyên tắc sau:

– Đến trước, xét duyệt xử lý hồ sơ trước;

– Chưa có địa chỉ IPv4 để sử dụng hoặc đã có địa chỉ nhưng giải trình được đã sử dụng hết ít nhất 80% các vùng địa chỉ IPv4 được cấp, phân bổ trước đó đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp, phân bổ địa chỉ;

– Thuyết minh mức độ cần thiết và khả năng sử dụng ngay vùng địa chỉ đề nghị cấp, phân bổ;

-Trường hợp được xét cấp, phân bổ lại vùng địa chỉ IPv4, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp, phân bổ địa chỉ hoàn tất nghĩa vụ nộp phí, lệ phí sử dụng địa chỉ IP tại Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính.

Quy trình cấp, phân bổ lại:

– Khi có vùng địa chỉ IPv4 thu hồi hoặc được hoàn trả từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, VNNIC niêm yết thông tin về vùng địa chỉ và thời điểm mở tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, phân bổ lại vùng địa chỉ tại địa chỉ website www.diachiip.vn;

– Việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị cấp, phân bổ địa chỉ tuân thủ theo các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều này;

– Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc xử lý hồ sơ đề nghị cấp, phân bổ địa chỉ, VNNIC ban hành quyết định cấp, phân bổ lại địa chỉ và thông báo tại địa chỉ website: www.diachiip.vn về kết quả cuối cùng của đợt cấp, phân bổ lại.

6. Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí địa chỉ Internet (IP) của Việt Nam

6.1 Người nộp lệ phí

Căn cứ theo Điều 2 Thông tư số 208/2016/TT-BTC :

Người nộp phí, lệ phí là tổ chức trong nước được đăng ký, cấp và quản lý, sử dụng địa chỉ Internet (IP) tại Việt Nam quy định tại Luật viễn thôngNghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

6.2 Tổ chức thu phí, lệ phí

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư số 208/2016/TT-BTC :

Trung tâm Internet Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ cấp đăng ký sử dụng địa chỉ Internet (IP) của Việt Nam có nhiệm vụ thu phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này là tổ chức thu phí, lệ phí.

6.3 Mức thu phí, lệ phí

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư số 208/2016/TT-BTC :

Ban hành kèm theo Thông tư này Biểu mức thu lệ phí đăng ký sử dụng và phí duy trì sử dụng địa chỉ Internet (IP) của Việt Nam.

Lệ phí đăng ký sử dụng và phí duy trì sử dụng địa chỉ Internet (IP) của Việt Nam thu bằng Đồng Việt Nam (VNĐ).

Lưu ý:

Chậm nhất thứ 2 hàng tuần, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tuần trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước (khoản 1 Điều 5 Thông tư số 208/2016/TT-BTC).

7. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo Điều 46 Nghị định 15/2020/NĐ-CP :

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Thực hiện định tuyến vùng địa chỉ IP nằm ngoài danh mục quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông trừ trường hợp kết nối với cổng quốc tế;

– Sản xuất hoặc nhập khẩu các thiết bị, phần mềm có khả năng kết nối Internet không đúng quy định, lộ trình ứng dụng công nghệ IPv6 (địa chỉ Internet mới);

– Không cập nhật khi có thay đổi một trong các thông tin liên hệ theo quy định khi đăng ký sử dụng địa chỉ IP;

– Không thực hiện khai báo cập nhật đầy đủ thông tin sử dụng các vùng địa chỉ IP đã được cấp theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông;

– Không phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý các địa chỉ IP do mình quản lý có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Không báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông khi tiếp nhận, sử dụng địa chỉ IP từ tổ chức nước ngoài;

– Không hoàn trả địa chỉ IP đã được cấp khi không còn nhu cầu sử dụng;

– Không thực hiện việc định tuyến, dừng quảng bá địa chỉ IP kể từ khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Định tuyến hoặc sử dụng vùng địa chỉ IP của tổ chức khác mà tổ chức đã được cấp, phân bổ không cho phép;

– Tiếp tục sử dụng các vùng địa chỉ IP sau khi đã có quyết định thu hồi;

– Cấp phát lại địa chỉ IP khi không phải là nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

– Buộc hoàn trả địa chỉ IP cho tổ chức quốc tế đối với hành vi vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

– Buộc thu hồi địa chỉ IP đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Cấp, phân bổ địa chỉ IP (v4, v6), các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật viễn thông 2009, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT, Thông tư số 208/2016/TT-BTC, Thông tư số 06/2019/TT-BTTTT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp, phân bổ địa chỉ IP (v4, v6)