25. Hiệp thương, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông

Posted on

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và quyết định Hiệp thương, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật viễn thông 2009, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư số 07/2015/TT-BTTTT.

1. Khái niệm

Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác (khoản 1 Điều 3 Luật viễn thông 2009).

Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng (khoản 7 Điều 3 Luật viễn thông 2009).

Kinh doanh dịch vụ viễn thông là hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông nhằm mục đích sinh lợi (khoản 1 Điều 13 Luật viễn thông 2009).

2. Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông

Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 25/2011/NĐ-CP:

Tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông là tranh chấp giữa các doanh nghiệp viễn thông phát sinh trực tiếp trong quá trình thiết lập mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông, bao gồm:

– Tranh chấp về kết nối viễn thông;

– Tranh chấp về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông;

– Tranh chấp về thanh toán giá cước giữa các doanh nghiệp viễn thông;

– Các tranh chấp khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thời hạn giải quyết tranh chấp được thực hiện như sau:

– Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm tổ chức hiệp thương giữa các bên. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ có liên quan và có nghĩa vụ tham gia hiệp thương. Kết quả hiệp thương phải được lập thành văn bản;

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc hiệp thương, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ra quyết định giải quyết tranh chấp. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ thi hành ngay quyết định giải quyết tranh chấp, kể cả trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

3. Tranh chấp trong kết nối viễn thông

Căn cứ theo Điều 21 Thông tư số 07/2015/TT-BTTTT, Tranh chấp trong kết nối viễn thông bao gồm:

– Tranh chấp về Thoả thuận kết nối.

– Tranh chấp về cung cấp dung lượng kết nối.

– Tranh chấp về chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối.

– Các tranh chấp khác khi thực hiện kết nối viễn thông.

4. Chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông

Căn cứ theo Điều 45 Luật Viễn thông 2009:

Chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông là việc sử dụng chung một phần mạng, công trình, thiết bị viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm bảo đảm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng hoặc bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị.

Việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông được thực hiện thông qua hợp đồng trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp viễn thông.

Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông trong các trường hợp sau đây:

– Sử dụng chung phương tiện thiết yếu nếu các doanh nghiệp viễn thông không đạt được thỏa thuận;

– Sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị;

– Sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông để phục vụ hoạt động viễn thông công ích.

Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông.

5. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo Điều 24 Nghị định 15/2020/NĐ-CP :

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Cung cấp không đầy đủ thông tin, chứng cứ có liên quan cho Bộ Thông tin và Truyền thông để tổ chức hiệp thương giữa các bên;

– Không tham gia hiệp thương khi cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông yêu cầu.

Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.

Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép viễn thông từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Hiệp thương, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật viễn thông 2009, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư số 07/2015/TT-BTTTT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Hiệp thương, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông