6. Cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao
Thủ tục cấp phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao được thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:
1. Khái niệm
– Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017: Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
+ Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
+ Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
+ Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
+ Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
– Khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
+ Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;
+ Vũ khí thô sơ dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
2. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao
– Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm:
+ Quân đội nhân dân;
+ Dân quân tự vệ;
+ Cảnh sát biển;
+ Công an nhân dân;
+ Cơ yếu;
+ Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
+ Kiểm lâm, Kiểm ngư;
+ An ninh hàng không;
+ Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.
– Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 đối tượng được trang bị vũ khí thể thao bao gồm:
+ Quân đội nhân dân;
+ Dân quân tự vệ;
+ Công an nhân dân;
+ Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;
+ Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh;
+ Cơ quan, tổ chức khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao.
3. Thời hạn giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao
Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao chỉ cấp cho cơ quan, đơn vị được trang bị và có thời hạn 05 năm theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 21 và Điểm đ, Khoản 1, Điều 26 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Giấy phép sử dụng vãu khí quân dụng, vũ khí thể thao bị hư hỏng, hết hạn sử dụng phải giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp để được cấp lại, cấp đổi.
Lưu ý:
– Hồ sơ trình tự thực hiện cấp đổi theo trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;
– Trường hợp đề nghị cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ bị hỏng hoặc hết hạn, thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải nộp lại giấy chứng nhận, chứng chỉ đã được cấp trước đó; và
– Không được chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (Khoản 9, Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017)
4. Thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao
Khoản 2, Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 nêu rõ:
Giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đã cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thu hồi trong trường hợp sau đây:
– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giải thể, chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập;
– Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng;
– Không thuộc đối tượng được trang bị;
– Vũ khí, công cụ hỗ trợ bị mất;
– Giấy phép, giấy xác nhận cấp không đúng thẩm quyền.
Kết luận: Việc thực hiện thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao là một thủ tục bắt buộc trước khi sử dụng.