1. Cấp/cấp lại giấy phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và quyết định Cấp/cấp lại giấy phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Nghị định 91/2016/NĐ-CP, Nghị định 71/2019/NĐ-CP
1. Khái niệm
Chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn (sau đây gọi tắt là chế phẩm) là sản phẩm có chứa hoạt chất diệt côn trùng, diệt khuẩn, có tên thương mại riêng và được sử dụng trực tiếp để diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế (khoản 3 Điều 2 Nghị định 91/2016/NĐ-CP).
Chủ sở hữu chế phẩm là tổ chức, cá nhân thực hiện việc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 91/2016/NĐ-CP như sau::
– Cung cấp chế phẩm bằng tên riêng của mình hoặc bằng bất kỳ nhãn hiệu, thiết kế, tên thương mại hoặc tên khác hoặc mã hiệu khác thuộc sở hữu hay kiểm soát của cá nhân, tổ chức đó;
– Chịu trách nhiệm về việc sản xuất, nhãn mác, bao bì hoặc xác định cho chế phẩm đó một mục đích sử dụng.
Chủ sở hữu số đăng ký lưu hành là tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký lưu hành chế phẩm và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. (khoản 3 Điều 2 Nghị định 91/2016/NĐ-CP).
2. Nguyên tắc thực hiện nhập khẩu chế phẩm
Nguyên tắc thực hiện nhập khẩu chế phẩm căn cứ theo Điều 48 Nghị định 91/2016/NĐ-CP như sau:
– Việc nhập khẩu chế phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
– Chế phẩm có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực được phép nhập khẩu theo nhu cầu, không hạn chế số lượng, giá trị, thủ tục làm tại Hải quan, không phải qua Bộ Y tế phê duyệt. Cơ sở nhập khẩu tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của mình.
– Nguyên liệu để sản xuất chế phẩm đã được cấp số đăng ký lưu hành thì cơ sở sản xuất được nhập khẩu theo nhu cầu sản xuất, thủ tục làm tại Hải quan, không phải qua Bộ Y tế phê duyệt. Cơ sở nhập khẩu tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của mình.
– Trong trường hợp nước nhập khẩu có yêu cầu xác nhận chế phẩm đã được lưu hành tại Việt Nam, chủ sở hữu số đăng ký lưu hành thực hiện theo quy định của pháp luật về Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.
3. Các loại hóa chất, chế phẩm phải có giấy phép nhập khẩu
Các loại hóa chất, chế phẩm phải có giấy phép nhập khẩu: theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định 91/2016/NĐ-CP như sau:
– Hóa chất, chế phẩm nhập khẩu để nghiên cứu;
– Chế phẩm nhập khẩu phục vụ mục đích viện trợ; sử dụng cho mục đích đặc thù khác (là quà biếu, cho, tặng hoặc trên thị trường không có sản phẩm và phương pháp sử dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân xin nhập khẩu).
4. Xử phạt vi phạm hành chính
Hành vi nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam hoặc giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp; nhập khẩu hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn chứa hoạt chất nằm trong Danh mục hoạt chất cấm sử dụng trong hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (khoản 1 Điều 42 Nghị định 71/2019/NĐ-CP)
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Cấp/cấp lại giấy phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Nghị định 91/2016/NĐ-CP, Nghị định 71/2019/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mâu, thực hiện tại đây
Cấp/cấp lại giấy phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế