2. Thông báo hoạt động đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và quyết định Thông báo hoạt động đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Phòng, chống nhiễm Virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, Thông tư 06/2012/TT-BYT.
1. Khái niệm
HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Human Immunodeficiency Virus” là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh (khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống nhiễm Virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006).
AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Acquired Immune Deficiency Syndrome” là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong (khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống nhiễm Virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006).
Tư vấn về HIV/AIDS là quá trình đối thoại, cung cấp các kiến thức, thông tin cần thiết về phòng, chống HIV/AIDS giữa người tư vấn và người được tư vấn nhằm giúp người được tư vấn tự quyết định, giải quyết các vấn đề liên quan đến dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV (khoản 10 Điều 2 Luật Phòng, chống nhiễm Virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006).
2. Nguyên tắc hoạt động của tổ chức tư vấn
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 06/2012/TT-BYT, nguyên tắc hoạt động của tổ chức tư vấn gồm:
– Chỉ được thực hiện việc tư vấn trong phạm vi nội dung hoạt động, phù hợp với hình thức hoạt động của tổ chức tư vấn quy định tại Thông tư này.
– Nội dung tư vấn phải phù hợp với các quy định về chuyên môn và pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
– Bảo đảm bí mật đối với các thông tin liên quan đến người được tư vấn.
– Tiến hành chuyển tiếp người được tư vấn đến tới các cơ sở dịch vụ phù hợp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ điều trị liên quan đến HIV/AIDS và các cơ sở dịch vụ tâm lý, xã hội khác khi người được tư vấn có nhu cầu.
3. Điều kiện thành lập đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 06/2012/TT-BYT:
3.1 Điều kiện về nhân sự:
– Có ít nhất một nhân viên chuyên trách. Trường hợp tổ chức tư vấn có sử dụng người làm kiêm nghiệm thì phải đăng ký giờ làm cụ thể;
– Người trực tiếp thực hiện tư vấn phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có trình độ chuyên môn từ trung cấp y tế hoặc xã hội trở lên;
+ Có kỹ năng tư vấn về kiến thức về HIV/AIDS.
3.2 Điều kiện về cơ sở vật chất:
– Phòng đón tiếp:
+ Có diện tích tối thiểu là 10m2;
+ Có bảng niêm yết phạm vi tư vấn;
– Phòng tư vấn: Có diện tích tối thiểu là 7m2, bảo đảm kín đáo, thông thoáng và đủ ánh sáng;
– Có sổ sách ghi chép họ tên hoặc mã số của người được tư vấn, tóm tắt nội dung tư vấn;
– Có các trang thiết bị tối thiểu cần thiết cho hoạt động tư vấn, gồm bàn làm việc, ghế ngồi và tài liệu truyền thông phục vụ cho việc tư vấn.
Các tổ chức chỉ thực hiện việc tư vấn qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không phải thực hiện các quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này nhưng phải có đầy đủ các phương tiện thông tin, viễn thông phục vụ việc tư vấn theo đăng ký.
4. Thông báo hoạt động của tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 06/2012/TT-BYT:
Trước khi chính thức hoạt động ít nhất là 10 ngày làm việc, tổ chức tư vấn phải gửi hồ sơ thông báo hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 06/2012/TT-BYT đến Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) nơi tổ chức tư vấn đặt trụ sở chính.
5. Tư vấn về dự phòng trong phòng, chống HIV/AIDS
5.1 Nội dung tư vấn chung về dự phòng trong phòng, chống HIV/AIDS
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 06/2012/TT-BYT:
– Cung cấp các thông tin cơ bản về HIV/AIDS bao gồm đường lây truyền và các biện pháp phòng lây truyền HIV.
– Hành vi nguy cơ có khả năng bị lây nhiễm HIV của người được tư vấn.
– Các lợi ích và sự cần thiết của việc xét nghiệm HIV cho dự phòng và điều trị của người bệnh.
– Hỗ trợ tinh thần, tâm lý cho người được tư vấn.
– Hướng dẫn, trao đổi các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho người được tư vấn.
– Xác định, giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ về tinh thần, tâm lý, xã hội và chăm sóc y tế như xét nghiệm HIV, khám, điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc sức khỏe sinh sản; dự phòng, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các dịch vụ hỗ trợ về tinh thần, tâm lý và xã hội khác.
– Hướng dẫn người được tư vấn cách tiết lộ tình trạng nhiễm HIV với vợ, chồng, người thân trong gia đình hoặc người chuẩn bị kết hôn
– Tư vấn về phơi nhiễm HIV và dự phòng phơi nhiễm với HIV.
– Cung cấp các thông tin về pháp luật, chính sách phòng, chống HIV/AIDS.
5.2 Nội dung tư vấn dự phòng trong phòng, chống HIV/AIDS cho một số đối tượng cụ thể
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 06/2012/TT-BYT:
Ngoài các nội dung tư vấn chung về dự phòng trong phòng, chống HIV/AIDS quy định tại Điều 5 của Thông tư này, nội dung tư vấn về dự phòng trong phòng, chống HIV/AIDS cho một số đối tượng cụ thể được quy định như sau:
5.2.1 Nội dung tư vấn cho người nghiện ma túy:
– Khả năng lây nhiễm HIV khi dùng chung dụng cụ tiêm chích và quan hệ tình dục không an toàn;
– Các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua tiêm tích ma túy và quan hệ tình dục;
– Các biện pháp cai nghiện, dự phòng tái nghiện và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
– Cung cấp thông tin và hướng dẫn các dịch vụ can thiệp giảm tác hại hiện có trên địa bàn;
– Vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ làm thay đổi hành vi, tìm kiếm việc làm phù hợp và hòa nhập với gia đình, cộng đồng.
5.2.2 Nội dung tư vấn cho người có hành vi mua dâm, bán dâm:
– Nguy cơ lây nhiễm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khi quan hệ tình dục không an toàn;
– Nguy cơ lây nhiễm HIV khi có sử dụng ma túy, đặc biệt trong trường hợp sử dụng ma túy qua đường tiêm chích;
– Các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và tiêm chích ma túy;
– Cung cấp thông tin và hướng dẫn tiếp cận các hoạt động giảm tác giải hiện có trên địa bàn;
– Vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ làm thay đổi hành vi, tìm kiếm việc làm và hòa nhập với gia đình, cộng đồng.
5.2.3 Nội dung tư vấn cho nam có quan hệ tình dục với nam:
– Nguy cơ lây nhiễm HIV qua các hình thức quan hệ tình dục đồng giới nam;
– Các cách thức quan hệ tình dục an toàn và các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV;
– Cung cấp thông tin và hướng dẫn tiếp cận các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nam có quan hệ tình dục với nam trên địa bàn.
5.2.4 Nội dung tư vấn cho người nhiễm HIV:
– Cách tiết lộ trình trạng nhiễm HIV cho vợ, chồng hoặc người chuẩn bị kết hôn;
– Nguy cơ nhiễm thêm HIV khi tiếp tục sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích hoặc quan hệ tình dục không an toàn và cách tự phòng tránh;
– Hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV cho người thân trong gia đình và cộng đồng;
– Hướng dẫn về lối sống tích cực cho người được tư vấn;
– Hướng dẫn người được tư vấn đến các cơ sở y tế và các cơ sở chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và chuyển tiếp, chuyển tuyến khi cần thiết;
– Cung cấp thông tin và hướng dẫn người được tư vấn tiếp cận các hoạt động của các nhóm chăm sóc tại nhà hiện có tại địa phương;
5.2.5 Nội dung tư vấn cho người thân của người nhiễm HIV:
– Phương pháp chăm sóc hiệu quả, hợp lý cho người nhiễm HIV và người bị bệnh AIDS;
– Hướng dẫn cách phòng lây nhiễm HIV trong gia đình, cách chăm sóc người nhiễm HIV và xử lý một số bệnh lý thường gặp;
– Hướng dẫn cách nhận biết và phòng tránh suy sụp tinh thần trong quá trình chăm sóc người bệnh, không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV;
– Vai trò của các thành viên gia đình trong việc giúp đỡ làm thay đổi hành vi, tìm kiếm việc làm và hòa nhập với gia đình, cộng đồng cho người nhiễm HIV;
– Cung cấp thông tin và hướng dẫn người nhiễm HIV tiếp cận các câu lạc bộ, nhóm tự lực và các cơ sở cung cấp dịch vụ giảm tác hại trên địa bàn.
5.2.6 Nội dung tư vấn cho phụ nữ mang thai:
– Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con;
– Lợi ích, sự cần thiết của việc làm xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai;
– Khả năng lây truyền HIV cho con và các biện pháp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con;
– Các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong trường hợp mẹ nhiễm HIV;
– Sự cần thiết phải tiếp cận sớm với các cơ sở y tế có dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, khi chuyển dạ đẻ, khi đẻ và chăm sóc sau sinh;
– Giới thiệu các dịch vụ chăm sóc điều trị, hỗ trợ cho mẹ và trẻ sau sinh.
5.2.7 Nội dung tư vấn cho người bệnh mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục:
– Khả năng lây nhiễm HIV đối với người bệnh mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và khuyến khích bệnh nhân mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục xét nghiệm HIV;
– Các cách thức quan hệ tình dục an toàn và các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV;
– Cung cấp thông tin và hướng dẫn tiếp cận sớm các dịch vụ khám và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
6. Xử phạt vi phạm hành chính
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 1 Điều 20 Nghị định 117/2020/NĐ-CP):
– Cản trở quyền tiếp cận với dịch vụ tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS của người khác;
– Không tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS trong quá trình chăm sóc, điều trị cho đối tượng là phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, cho con bú, người bị phơi nhiễm với HIV;
– Thực hiện không đúng quy trình, nội dung tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV;
– Tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV khi chưa được tập huấn về tư vấn phòng, chống HIV/AIDS;
– Thực hiện việc tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở tư vấn không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi Không thực hiện việc tư vấn trước và sau xét nghiệm HIV (điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Thông báo hoạt động đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Phòng, chống nhiễm Virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, Thông tư 06/2012/TT-BYT.