38. Công bố đủ điều kiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

Posted on

Cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cần được Sở Y tế địa phương Công bố đủ điều kiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Nghị định 90/2016/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐ-CP.

1. Một số khái niệm cơ bản

Theo Điều 2 Nghị định 90/2016/NĐ-CP

Chất dạng thuốc phiện là chất có nguồn gốc tự nhiên, tổng hợp và bán tổng hợp có tác dụng giống thuốc phiện.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là việc sử dụng thuốc thay thế để điều trị cho người nghiện chất dạng thuốc phiện.

2. Cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

2.1. Phân loại

– Cơ sở điều trị thay thế: điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người nghiện, bao gồm cả việc cấp phát thuốc điều trị thay thế.

– Cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế: thực hiện việc cấp phát thuốc thay thế cho người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện. (Điều 11 Nghị định 90/2016/NĐ-CP)

2.2. Điều kiện hoạt động của cơ sở điều trị thay thế:

2.2.1. Về cơ sở vật chất

Có nơi tiếp đón, phòng hành chính, phòng cấp phát và bảo quản thuốc, phòng tư vấn, phòng khám bệnh và phòng xét nghiệm. Các phòng trong cơ sở điều trị thay thế phải có diện tích từ 10 m2 trở lên (khoản 1 Điều 12 Nghị định 90/2016/NĐ-CP sửa đổi bới Nghị định 155/2018/NĐ-CP)

2.2.2. Về trang thiết bị

a) Phòng cấp phát và bảo quản thuốc:

– Ẩm kế;

– Nhiệt kế đo nhiệt độ phòng;

– Điều hòa nhiệt độ;

– 02 tủ chắc chắn có khóa để đựng thuốc, trong đó: 01 tủ để đựng thuốc cấp phát hàng ngày và 01 tủ để bảo quản thuốc;

– Dụng cụ cấp phát thuốc;

– Thiết bị giám sát việc thực hiện điều trị.

b) Phòng khám bệnh:

– Nhiệt kế đo thân nhiệt;

– Ống nghe;

– Tủ thuốc cấp cứu (trong đó có thuốc giải độc);

– Máy đo huyết áp;

– Bộ trang thiết bị cấp cứu;

– Giường khám bệnh;

– Cân đo sức khỏe – chiều cao;

– Thiết bị khử trùng dụng cụ và bệnh phẩm.

c) Phòng xét nghiệm:

– Bộ dụng cụ xét nghiệm nước tiểu và lấy máu;

– Tủ lạnh bảo quản sinh phẩm, bệnh phẩm.

d) Nơi lấy nước tiểu của người bệnh:

– Bộ bàn cầu (với đường cấp nước có van đặt ở bên ngoài nơi lấy nước tiểu);

– Vách ngăn dán kính màu một chiều từ bên ngoài để nhân viên của cơ sở điều trị quan sát được quá trình tự lấy mẫu nước tiểu của người bệnh.

(khoản 2 Điều 12 Nghị định 90/2016/NĐ-CP sửa đổi bới Nghị định 155/2018/NĐ-CP)

2.2.3. Về nhân sự

– Có ít nhất 01 người phụ trách chuyên môn là bác sỹ có giấy chứng nhận đã qua đào tạo, tập huấn về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và là người làm việc toàn thời gian tại cơ sở điều trị thay thế;

– Có ít nhất 01 nhân viên trình độ trung cấp chuyên ngành y trở lên làm nhiệm vụ hỗ trợ công tác khám bệnh, chữa bệnh

– Có ít nhất 02 nhân viên làm nhiệm vụ cấp phát thuốc có trình độ trung cấp chuyên ngành y, dược trở lên. Nhân viên phụ trách kho thuốc phải đáp ứng các điều kiện về chuyên môn theo quy định của pháp luật về dược;

– Có ít nhất 01 nhân viên làm nhiệm vụ xét nghiệm có trình độ trung cấp các chuyên ngành y, dược, sinh học hoặc hóa học trở lên;

– Có ít nhất 01 nhân viên làm nhiệm vụ tư vấn có trình độ trung cấp các chuyên ngành y, dược hoặc xã hội trở lên;

– Có ít nhất 01 nhân viên làm nhiệm vụ hành chính có trình độ trung cấp trở lên;

– Bố trí tối đa 02 nhân viên bảo vệ riêng cho cơ sở điều trị hoặc phối hợp với công an khu vực đặt trụ sở để bảo đảm công tác an ninh cho cơ sở điều trị;

– Việc bố trí nhân lực thực hiện theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, bảo đảm phù hợp về yêu cầu chuyên môn quy định và quy mô của cơ sở điều trị thay thế.

(khoản 3 Điều 12 Nghị định 90/2016/NĐ-CP sửa đổi bới Nghị định 155/2018/NĐ-CP)

2.3. Điều kiện hoạt động của cơ sở cấp phát thuốc

2.3.1. Về cơ sở vật chất

– Có nơi tiếp đón, phòng cấp phát và bảo quản thuốc. Phòng cấp phát và bảo quản thuốc phải có diện tích từ 10 m2 trở lên;

– Bảo đảm đủ điện, nước và đáp ứng các điều kiện về quản lý chất thải y tế, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

(khoản 1 Điều 13 Nghị định 90/2016/NĐ-CP sửa đổi bới Nghị định 155/2018/NĐ-CP)

2.3.2. Về trang thiết bị

Phòng cấp phát và bảo quản thuốc phải có:

– Ẩm kế;

– Nhiệt kế đo nhiệt độ phòng;

– Điều hòa nhiệt độ;

– 02 tủ chắc chắn có khóa để đựng thuốc, trong đó: 01 tủ để đựng thuốc cấp phát hàng ngày và 01 tủ để bảo quản thuốc;

– Dụng cụ cấp phát thuốc;

– Thiết bị giám sát việc thực hiện điều trị.

(khoản 2 Điều 13 Nghị định 90/2016/NĐ-CP sửa đổi bới Nghị định 155/2018/NĐ-CP)

2.3.3. Về nhân sự

– Có ít nhất 02 nhân viên làm nhiệm vụ cấp phát thuốc có trình độ trung cấp chuyên ngành y, dược trở lên. Nhân viên phụ trách kho thuốc phải đáp ứng các điều kiện về chuyên môn theo quy định của pháp luật về dược;

– Bố trí tối đa 02 nhân viên bảo vệ riêng cho cơ sở điều trị hoặc phối hợp với công an khu vực đặt trụ sở để bảo đảm công tác an ninh cho cơ sở điều trị;

– Việc bố trí nhân lực thực hiện theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, bảo đảm phù hợp về yêu cầu chuyên môn quy định và quy mô của cơ sở cấp thuốc.

(khoản 3 Điều 13 Nghị định 90/2016/NĐ-CP sửa đổi bới Nghị định 155/2018/NĐ-CP)

3. Công bố các cơ sở điều trị đủ điều kiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

3.1. Công bố lần đầu

Trước khi đi vào hoạt động, cơ sở điều trị đủ điều kiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện nộp bản gốc hồ sơ công bố tại Sở Y tế nơi cơ sở điều trị đặt trụ sở. (khoản 1 Điều 14 Nghị định 90/2016/NĐ-CP)

3.2. Công bố lại

– Nếu có thay đổi về tên, địa chỉ, về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự cơ sở điều trị có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về Sở Y tế nơi công bố hồ sơ của cơ sở điều trị (khoản 1 Điều 16 Nghị định 90/2016/NĐ-CP)

– Nếu hồ sơ công bố bị hư hỏng hoặc bị mất trong giờ kể từ khi phát hiện tình trạng của hồ sơ, cơ sở có trách nhiệm thông báo bằng văn bản (theo định dạng PDF) về hòm thư điện tử của Sở Y tế nơi cơ sở điều trị đặt trụ sở sau đó thực hiện trình tự công bố lại như công bố lần đầu (khoản 1 Điều 17 Nghị định 90/2016/NĐ-CP)

3.3. Đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính

– Sau 5 ngày nhận được quyết định xử phạt đối với cơ sở điều trị có hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn Sở Y tế khu vực có trách nhiệm công bố việc dừng hoạt động có thời hạn trừ các trường hợp vi phạm hành chính gây hậu quả lớn/gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt theo Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 18 Nghị định 90/2016/NĐ-CP)

Cơ sở điều trị bị đình chỉ gửi hồ sơ khắc phục vi phạm cho Sở Y tế để công bố lại đủ điều kiện hoạt động (khoản 2 Điều 18 Nghị định 90/2016/NĐ-CP)

3.4. Hủy hồ sơ công bố

– Sau 5 ngày từ ngày quyết định đình chỉ hết hiệu lực, cơ sở điều trị không khắc phục các vi phạm hoặc việc khắc phục các vi phạm không đáp ứng các quy định.

– Cơ sở điều trị không triển khai điều trị sau 12 tháng kể từ ngày hồ sơ công bố được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế.

– Cơ sở điều trị tạm dừng hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục. (Điều 20 Nghị định 90/2016/NĐ-CP)

Kết luận: Cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện sẽ được Sở Y tế địa phương Công bố đủ điều kiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện theo quy định của Nghị định 90/2016/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐ-CP.

Chi tiết thủ tục, mẫu đơn xem tại đây:

Công bố đủ điều kiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện