12. Bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh

Sau khi Nhà nước thu hồi đất, việc thu hồi này đã dẫn đến các thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh. Do đó, những thiệt hại đó sẽ được bồi thường. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó về các quy định  Bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất, thông qua Luật Đất đai 2013Nghị định 47/2014/NĐ-CP.

1. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất.

Điều 88 Luật Đất đai 2013 có quy định về hai nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh sau khi Nhà nước thu hồi đất:

Chủ sở hữu tài sản một cách hợp pháp có tài sản gắn liền với đất có thiệt hại về tài sản;

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã phải ngừng hoạt động sản xuất, hoạt động kinh doanh và có thiệt hại xảy ra.

2. Cách thức bồi thường đối với từng loại tài sản

2.1. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất (Điều 89 Luật Đất đai 2013)

– Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.

– Đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất không thuộc trường hợp trên, khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của Chính phủ.

– Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc hai trường hợp nêu trên thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Lưu ý: Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP có quy định cụ thể mức bồi thường các trường hợp nhà, công trình không phục vụ sinh hoạt như sau:

– Mức bồi thường tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó theo công thức dưới đây và không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại:

Trong đó:

Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại;

G1: Giá trị xây mới nhà, công trình bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành;

T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại;

T1: Thời gian mà nhà, công trình bị thiệt hại đã qua sử dụng.

– Đối với nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần mà phần còn lại không còn sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình; nếu bị phá dỡ một phần nhưng vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ.

– Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

– Ngoài ra, đối với nhà, công trình đối với người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thì được quy định như sau theo quy định của Điều 14 Nghị định 47/2014/NĐ-CP

+ Người sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (nhà thuê hoặc tổ chức tự quản) trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ, thì người đang thuê nhà không được bồi thường đối với diện tích nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và diện tích cơi nới trái phép, nhưng được bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp; mức bồi thường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

+ Người sử dụng nhà ở trên được thuê nhà ở tại nơi tái định cư; giá thuê nhà là giá thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; nhà thuê được Nhà nước bán cho người đang thuê theo quy định của Chính phủ; trường hợp đặc biệt không có nhà tái định cư để bố trí thì được hỗ trợ bằng tiền bằng 60% giá trị đất và 60% giá trị nhà đang thuê để tự lo chỗ ở mới.

2.2. Bồi thường với giống cây trồng, vật nuôi

Tại Điều 90 Luật Đất đai 2013 quy định:

– Trường hợp gây thiệt hại đối với cây trồng:

+ Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch bao gồm năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

+ Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;

+ Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thế di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;

+ Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tố chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản iý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây và được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

– Trường hợp gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản:

+ Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường;

+ Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra; mức bồi thường cụ thể do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

2.3. Bồi thường chi phí di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất

Quy định tại Điều 91 Luật Đất đai 2013 như sau: Nếu phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyến, lắp đặt.

Lưu ý: Trường hợp này sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường.

2.4. Bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn.

Điều 94 Luật Đất đai 2013 quy định: Khi Nhà nước xây dựng công trình công cộng, quốc phòng, an ninh có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ.

Lưu ý: Điều 10 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định cụ thể cách thức bồi thường như sau:

–  Trường hợp làm thay đổi mục đích sử dụng đất:

+ Làm thay đổi mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở hoặc từ đất ở sang đất nông nghiệp:

Tbt = (G1 – G2) x S

Trong đó:

Tbt: Tiền bồi thường thiệt hại;

G1: Giá đất ở tính bình quân mỗi m2;

G2: Giá đất phi nông nghiệp không phải đất ở hoặc giá đất nông nghiệp tính bình quân cho mỗi m2;

S: Diện tích đất bị thay đổi mục đích sử dụng đất;

+ Làm thay đổi mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất nông nghiệp:

Tbt = (G3 – G4) x S

Trong đó:

Tbt: Tiền bồi thường thiệt hại;

G3: Giá đất phi nông nghiệp không phải đất ở tính bình quân mỗi m2;

G4: Giá đất nông nghiệp tính bình quân cho mỗi m2;

S: Diện tích đất bị thay đổi mục đích sử dụng đất.

– Trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng đất thì việc xác định mức bồi thường thiệt hại do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định cụ thể.

Nhà ở, công trình xây dựng khác và các tài sản khác gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn bị thiệt hại do phải giải tỏa thì được bồi thường theo mức thiệt hại theo quy định.

–  Khi hành lang bảo vệ an toàn công trình chiếm dụng khoảng không trên 70% diện tích thửa đất có nhà ở, công trình xây dựng thì phần diện tích đất còn lại cũng được bồi thường theo mức quy định như đã nêu ở trên.

–  Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất trong hành lang an toàn thì được bố trí tái định cư; được bồi thường chi phí di chuyển, và được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất.

3. Các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất

Theo quy định tại Điều 92 Luật Đất đai 2013, một số trường hợp sau đây không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

– Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các loại sau:

+ Thu hồi đất do sử dụng không đúng mục đích của Nhà nước

+ Người sử dụng cố ý hủy hoại đất;

+ Giao, chuyển nhượng, tặng cho không đúng quy định pháp luật;

+ Đất được giao cho quản lí nhưng bị lấn chiếm;

+ Đất không được chuyển quyền sử dụng mà người sử dụng thiếu trách nhiệm để bị lấn chiếm;

+ Đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong 12 tháng liên tục hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ ngày nhận bàn giao phải đưa vào sử dụng;

+ Cá nhân sử dụng đất chết không có người thừa kế;

+ Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không gia hạn.

– Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng.

4. Chi trả tiền bồi thường

Thời hạn chi trả được quy định tại Điều 93 Luật Đất đai 2013 như sau:

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

– Trường hợp chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.

– Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước.

– Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách Nhà nước và việc trừ đi khoản tiền này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 30 Nghị định 47/2014/NĐ-CP

Kết luận: Tóm lại, người sử dụng đất hợp pháp, nếu đáp ứng đủ điều kiện, nguyên tắc để được bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh và không nằm trong các trường hợp ngoại trừ, sau khi Nhà nước thu hồi đất, thì sẽ được bồi thường theo quy định Luật Đất đai 2013Nghị định 47/2014/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh

Thủ tục Nội dung