60. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề, Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất

Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền và Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất là một trong những quyền của người sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai 2013. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung quy định về Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề và Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất của Người sử dụng, thông qua Luật Đất đai 2013, Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 46/2014/NĐ-CP.

1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề

– Theo Khoản 1 Điều 171 Luật Đất đai 2013 quy định về Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề, bao gồm:

+  Quyền về lối đi

Theo Khoản 1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền về lối đi qua của Người sử dụng đất như sau:

Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Lưu ý: Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+  Cấp, thoát nước

Theo Điều 252 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau:

Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.

Lưu ý: Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.

+  Tưới nước, tiêu nước trong canh tác

Theo Điều 253 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác cụ thể như sau:

Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu. Người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó.

Lưu ý: Nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường.

+ Cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

Theo Điều 255 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác

Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó.

Lưu ý: Nếu người mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Căn cứ xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề

+ Theo Khoản 2 Điều 171 Luật Đất đai năm 2013 thì việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật đất đai năm 2013.

+ Theo Điều 246 BLDS năm 2015, quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.

+ Theo điểm a khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 thì việc đăng ký biến động được thực hiện trong trường hợp có thay đổi về xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề.

.- Về trình tự, thủ tục đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề

Theo Điều 73 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề như sau:

+ Khi phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề thì một trong các bên nộp đơn, Giấy chứng nhận (nếu có), hợp đồng hoặc bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cho Văn phòng đăng ký đất đai.

+ Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thể hiện trên Giấy chứng nhận nếu có yêu cầu.

2. Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất

Các hình thức trả tiền thuê đất

Tuy Luật Đất đai 2013 không quy định cụ thể về các hình thức trả tiền thuê đất, nhưng căn cứ theo Điều 56 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nên có thể hiểu có hai hình thức để người sử dụng trả tiền thuê đất:

+ Trả tiền thuê đất hàng năm;

+ Trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

– Đối tượng được quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất:

Theo Khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai 2013, các đối tượng sau được quyền lựa chọn trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê:

+ Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

+ Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định tại Điều 129 của Luật Đất đai 2013;

+ Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

+ Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh;

+ Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê;

+ Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;

+ Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc.

Quy định về việc chuyển hình thức trả tiền thuê: trả tiền thuê đất hàng năm được chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Theo Khoản 2 Điều 172 Luật Đất đai 2013 quy định thì Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và phải xác định lại giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 46/2014/NĐ-CP về chuyển từ thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê: Đối tượng được quyền chuyển từ hình thức trả tiền thuê đất hàng năm sang trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì phải nộp tiền thuê đất cho thời gian thuê đất còn lại. Đơn giá thuê đất trả một lần của thời hạn sử dụng đất còn lại được xác định tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho thời gian thuê.

Kết luận: Trên đây, là những quy định về Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề và Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất của Người sử dụng mà đã được phân tích và tổng hợp.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề và Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất

Thủ tục Nội dung