37. Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được xác định như thế nào? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể phương pháp tính giá dịch vụ này thông qua Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Thông tư 07/2017/TT-BXD.
1. Khái niệm
Khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.
2. Nguyên tắc định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Điều 2 Thông tư 07/2017/TT-BXD quy định:
– Việc định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với công nghệ xử lý; tuân thủ quy trình kỹ thuật; tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc công bố và phù hợp với chất lượng của dịch vụ.
– Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của quá trình đầu tư và khai thác, vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phù hợp với điều kiện thực tế tổ chức thực hiện dịch vụ; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, điều kiện kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách của địa phương.
– Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải đảm bảo khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư để xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
3. Phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2017/TT-BXD quy định về giá dịch vụ xử lý chất tải rắn sinh hoạt được xác định như sau:
GXLCTR= ZTB + (ZTB x P)
Trong đó:
– GXLCTR: là giá dịch vụ xử lý 01 tấn chất thải rắn sinh hoạt chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Đơn vị: đồng.
– ZTB: là giá thành toàn bộ để xử lý 01 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Đơn vị: đồng
– P là tỷ lệ lợi nhuận (%): không quá 5%.
4. Trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt:
Khoản 2 Điều 26 Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định:
– Đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn một tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao các sở chuyên ngành lập phương án giá gửi Sở Tài chính chủ trì tổ chức thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
– Đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, chủ đầu tư lập và trình phương án giá, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
– Đối với các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên vùng, liên tỉnh, chủ đầu tư lập phương án giá gửi Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ, ngành liên quan thẩm định. Kết quả thẩm định của Bộ Tài chính là cơ sở để Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi dự án phê duyệt giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Kết luận: Chủ cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm xác định đúng giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định nêu trên.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Thủ tục | Nội dung |
---|