6. Chế độ tử tuất bảo hiểm xã hội bắt buộc

Dựa theo những quy định của Bộ Luật lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về vấn đề Chế độ tử tuất bảo hiểm xã hội bắt buộc.

1. Khái niệm:

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ Luật Lao động 2019 thì Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Khoản 2 Điều 3 Bộ Luật Lao động 2019 quy định Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

2. Trợ cấp mai táng.

Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 24 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về trợ cấp mai táng như sau:

– Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

+ Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

– Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đó chết.

–  Người quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng

3. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

– Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

+ Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

+ Đang hưởng lương hưu;

+ Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.

– Thân nhân của những người quy định trên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

+ Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

+ Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

– Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

– Thời hạn đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:

+ Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày người tham gia bảo hiểm xã hội chết thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị;

+ Trong thời hạn 04 tháng trước hoặc sau thời điểm thân nhân quy định tại điểm a khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hết thời hạn hưởng trợ cấp theo quy định thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị.

(Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn cụ thể tại Điều 25 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)

4. Mức trợ cấp tuất hằng tháng.

– Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

– Trường hợp một người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 04 người; trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 02 lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

– Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chết. Trường hợp khi bố chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh.

(Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn cụ thể tại Điều 26 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)

5. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần.

Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần:

– Người lao động chết không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

– Người lao động chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

– Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

– Trường hợp người lao động chết mà không có thân nhân quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.

(Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

6. Mức trợ cấp tuất một lần.

– Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

– Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

– Mức lương cơ sở dùng để tính trợ cấp tuất một lần là mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chết.

(Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn cụ thể tại Điều 27 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)

7. Chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

– Có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì điều kiện, mức hưởng lương hưu thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc; mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở, trừ đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014

– Có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc

Có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì trợ cấp mai táng được thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc

(Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 12 Nghị định 115/2015/NĐ-CP)

Kết luận: Những vấn đề pháp lý liên quan đến Chế độ tử tuất bảo hiểm xã hội bắt buộc cần phải tuân theo những quy định tại Bộ Luật lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Chế độ tử tuất bảo hiểm xã hội bắt buộc

Thủ tục Nội dung