7. Chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội tự nguyện
Dựa trên những quy định của Bộ Luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị định 134/2015/NĐ-CP, Thông tư 01/2016/TT-BLĐTB-XH, Thông tư 115/2013/TT-BTC, sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về Chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội tự nguyện.
1. Khái niệm.
– Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
– Khoản 1 Điều 2 Thông tư 115/2013/TT-BTC quy định Bảo hiểm hưu trí là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động.
2. Điều kiện hưởng lương hưu.
Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019;
– Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên
(điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ Luật lao động 2019)
3. Mức luơng hưu hằng tháng.
– Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
– Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
+ Người nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;
+ Nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
+ Nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:
Năm nghỉ hưu | Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% |
2018 | 16 năm |
2019 | 17 năm |
2020 | 18 năm |
2021 | 19 năm |
Từ 2022 trở đi | 20 năm |
(Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP)
4. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
– Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
– Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
(Điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
5. Thời điểm hưởng lương hưu.
– Thời điểm hưởng lương hưu tính từ tháng liền kề sau tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 73 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.
-. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
(Điều 6 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH)
6. Bảo hiểm xã hội một lần.
– Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội;
+ Ra nước ngoài để định cư;
+ Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Lưu ý:
– Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
+ 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
+ Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
(Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 7 Nghị định 134/2015/NĐ-CP)
Kết luận: Những vấn đề pháp lý liên quan đến Chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội tự nguyện phải tuân theo những quy định của Bộ Luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị định 134/2015/NĐ-CP, Thông tư 01/2016/TT-BLĐTB-XH, Thông tư 115/2013/TT-BTC.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thủ tục | Nội dung |
---|