1. Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ
Hoạt động quy hoạch nhằm phát triển giao thông vận tải đường bộ ở Việt Nam. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ làm rõ nội dung đó qua Luật giao thông đường bộ 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch 2018, Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2020, Nghị định 11/2010/NĐ-CP
1. Khái niệm
Theo Khoản 30 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
– Vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ
2. Quy hoạch mạng lưới đường bộ
Theo Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định về quy hoạch mạng lưới đường bộ như sau
– Quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, bao gồm hệ thống đường quốc lộ và đường cao tốc, làm cơ sở để định hướng phát triển mạng lưới giao thông, xác định nguồn lực thực hiện trong quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn
– Việc lập quy hoạch mạng lưới đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác
– Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập phương án phát triển mạng lưới đường bộ trong quy hoạch tỉnh căn cứ vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch vùng.
Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2020 hướng dẫn chi tiết về quy hoạch mạng lưới đường bộ như sau
Mục tiêu lập quy hoạch
– Nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường.
– Góp phần tăng cường năng lực hội nhập của nền kinh tế trên cơ sở xây dựng mạng lưới đường bộ hiện đại, nâng cao tính thị trường, tập trung phát triển các hành lang vận tải gắn kết với các hành lang kinh tế đô thị và nông thôn.
– Là một công cụ hiệu quả, hiệu lực của nhà nước trong việc điều hành phát triển mạng lưới đường bộ, là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển ngành giao thông vận tải trong thời gian tới.
Nguyên tắc lập Quy hoạch
– Tuân thủ Luật Quy hoạch, các nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, các quy định của pháp luật có liên quan; đảm bảo tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
– Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch mạng lưới đường bộ với các quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng với phương tiện, dịch vụ, công nghiệp; giữa quy hoạch ngành với quy hoạch địa phương.
– Bảo đảm phù hợp quy chuẩn và tương thích về tiêu chuẩn kỹ thuật trong toàn mạng lưới đường bộ. Phù hợp xu hướng công nghệ, vật liệu, quản lý, khai thác hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, phù hợp nguồn lực để thực hiện.
Các yêu cầu nội dung quy hoạch
– Phân tích, đánh giá yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng về phân bố, sử dụng không gian của mạng lưới đường bộ.
– Dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới đường bộ.
– Đánh giá về sự liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển mạng lưới đường bộ:
+ Đánh giá sự liên kết, đồng bộ của mạng lưới đường bộ trong phạm vi cả nước; sự liên kết giữa mạng lưới đường bộ trong nước và quốc tế.
+ Đánh giá sự liên kết giữa mạng lưới đường bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi vùng lãnh thổ;
+ Đánh giá về liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh trong phát triển mạng lưới đường bộ.
– Xác định yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội đối với việc phát triển mạng lưới đường bộ trong kỳ quy hoạch; những cơ hội và thách thức:
+ Xác định yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội đối với ngành đường bộ, gồm nhu cầu vận tải, phương thức vận tải, ứng dụng công nghệ và phương tiện mới trong lĩnh vực đường bộ;
+ Phân tích, đánh giá những cơ hội, thách thức phát triển mạng lưới đường bộ trong thời kỳ quy hoạch.
+ Phân tích, đánh giá cơ hội, thách thức phát triển mạng lưới đường bộ.
– Xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển mạng lưới đường bộ.
– Phương án phát triển mạng lưới đường bộ:
+ Định hướng phân bố không gian phát triển mạng lưới đường bộ xác định quy mô, mạng lưới đường, định hướng kết nối tới các lĩnh vực GTVT khác, đến các đầu mối giao thông quan trọng (cảng hàng không, ga đường sắt, cảng biển, cảng đường thủy nội địa,…;
+ Xác định loại hình, vai trò, vị trí, quy mô, định hướng khai thác, sử dụng và các chi tiêu kinh tế, kỹ thuật, công nghệ gắn với phân cấp, phân loại theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các tuyến đường quan trọng trong mạng lưới đường bộ;
+ Định hướng kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa mạng lưới đường bộ trong nước và quốc tế, kết nối với hệ thống đô thị và nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi, hệ thống du lịch và các hệ thống kết cấu hạ tầng khác;
+ Giải pháp về quản lý khai thác và bảo đảm an toàn đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trước rủi ro thiên tai và bối cảnh biến đổi khí hậu.
– Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
– Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành và thứ tự ưu tiên thực hiện:
+ Xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ trong thời kỳ quy hoạch.
+ Luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành trong thời kỳ quy hoạch, dự kiến tổng mức đầu tư, đề xuất thứ tự ưu tiên thực hiện và phương án phân kỳ đầu tư.
– Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch: giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển; giải pháp về giáo dục, tuyên truyền; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp về huy động và phân bố vốn đầu tư; giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
– Yêu cầu về hồ sơ quy hoạch
+ Xây dựng báo cáo quy hoạch (gồm báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt), bản đồ, sơ đồ và cơ sở dữ liệu về quy hoạch mạng lưới đường bộ.
3. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Theo Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định về quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau
– Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường bộ, xác định phương án phát triển công trình đường bộ và các kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác theo từng tuyến đường bộ
– Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Xác định hướng tuyến, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô các tuyến đường bộ qua từng địa phương, từng vùng; xác định số lượng, quy mô, thông số kỹ thuật chủ yếu của các công trình chính gồm cầu, hầm, bến phà trên tuyến đường bộ; xác định cụ thể các điểm giao cắt, hệ thống trạm dừng nghỉ, công trình phụ trợ khác
+ Phương án kết nối với các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không cho từng khu vực, từng tuyến đường; kết nối với hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất
+ Xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch theo thứ tự ưu tiên đầu tư
+ Xây dựng giải pháp chi tiết để thực hiện quy hoạch
– Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là 10 năm, tầm nhìn là từ 20 năm đến 30 năm
– Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được rà soát theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn
– Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
– Việc công bố công khai quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về giao thông đường bộ
– Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quy hoạch kết cấu hạ tầng như sau
Nguyên tắc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Điều 5 Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về nguyên tắc huy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau
– Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch giao thông vận tải và các quy hoạch khác liên quan.
– Được lập cho ít nhất 10 năm và định hướng phát triển cho ít nhất 10 năm tiếp theo.
– Quy hoạch quốc lộ, đường tỉnh đi qua đô thị phải theo đường vành đai ngoài đô thị hoặc xây dựng đường trên cao hoặc đường ngầm.
– Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đô thị phải bảo đảm quỹ đất theo quy định tại Điều 8 Nghị định này và phải có đường gom, cầu vượt, hầm chui tại các vị trí phù hợp để bảo đảm an toàn giao thông.
Điều 6 Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau
– Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm: quy hoạch mạng đường bộ cao tốc, quốc lộ, đường bộ liên vùng, vùng, tỉnh và quy hoạch công trình đường bộ riêng biệt theo yêu cầu quản lý của cấp có thẩm quyền.
– Nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm: Phân tích đánh giá hiện trạng; vai trò, vị trí; quan điểm, mục tiêu; dự báo nhu cầu; luận chứng các phương án quy hoạch; nhu cầu sử dụng đất; danh mục công trình ưu tiên, tiến độ thực hiện; đánh giá tác động môi trường; giải pháp và cơ chế, chính sách; tổ chức thực hiện.
Kết luận: Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải đường bộ ở Việt Nam được Nhà nước ban hành các quy định cụ thể qua Luật giao thông đường bộ 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch 2018, Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2020, Nghị định 11/2010/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ
Thủ tục | Nội dung |
---|