11. Đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt
Khi người tham gia giao thông đường bộ đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt thì phải tuân thủ những quy tắc được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP
1. Khái niệm
– Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. (khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)
– Nơi đường giao nhau cùng mức (sau đây gọi là nơi đường giao nhau) là nơi hai hay nhiều đường bộ gặp nhau trên cùng một mặt phẳng, gồm cả mặt bằng hình thành vị trí giao nhau đó. (khoản 11 Điều 3 Luật Giao thông vận tải 2008
2. Quy tắc đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt
Theo quy định tại Điều 25 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 khi đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt người tham gia giao thông cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.
– Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
– Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
– Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.
– Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.
– Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển phương tiện đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.
3. Xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm quy định khi đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt
Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì khi người tham gia giao thông có hành vi vi phạm quy định khi đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đừng sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt sẽ bị xử phạt như sau:
– Đối với người đi bộ:
+ Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng; vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung, hầm khi đi qua đường ngang, cầu chung, hầm
– Đối với người điều khiển đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ:
+ Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi đi qua đường ngang, cầu chung.
+ Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn đường ngang, cầu chung; vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung.
– Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
+ Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn đường ngang, cầu chung; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi đi qua đường ngang, cầu chung.
+ Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung. Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
– Đối với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng:
+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng dừng xe, đỗ xe quay đầu xe trong phạm vi an toàn đường ngang, cầu chung; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi đi qua đường ngang, cầu chung.
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung. Bị tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01 tháng đến 03 tháng.
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung. Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Kết luận: Khi tham gia giao thông đường bộ, người tham gia giao thông cần phải tuân thủ các quy tắc khi đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt
Thủ tục | Nội dung |
---|