27. Đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Để hệ thống giao thông đường bộ được an toàn và thuận tiện, việc đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng phải được thực hiện hợp lý bằng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và phải có kế hoạch bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung Đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ qua Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi, bổ sung 2018 và đã được hợp nhất bằng Văn bản hợp nhất số 53/VBHN-VPQH năm 2018.

1. Khái niệm

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ (Khoản 3 Điều 3 Văn bản hợp nhất số 53/VBHN-VPQH năm 2018)

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. (Khoản 1 Điều 46 Văn bản hợp nhất số 53/VBHN-VPQH năm 2018)

2. Đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Điều 46 Văn bản hợp nhất số 53/VBHN-VPQH năm 2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc Đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:

– Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ trình tự quản lý đầu tư xây dựng và các quy định khác của pháp luật; bảo đảm quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh quan, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

– Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

– Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền chủ trì tổ chức giải phóng mặt bằng theo đúng quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

– Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sau khi xây dựng, nâng cấp, cải tạo phải được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, quyết định đưa vào khai thác theo quy định.

3. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Theo Điều 6a Văn bản hợp nhất số 53/VBHN-VPQH năm 2018 thì:

-Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được hiểu là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường bộ, xác định phương án phát triển công trình đường bộ và các kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác theo từng tuyến đường bộ.

-Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu là:

+ Xác định hướng tuyến, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô các tuyến đường bộ qua từng địa phương, từng vùng; xác định số lượng, quy mô, thông số kỹ thuật chủ yếu của các công trình chính gồm cầu, hầm, bến phà trên tuyến đường bộ; xác định cụ thể các điểm giao cắt, hệ thống trạm dừng nghỉ, công trình phụ trợ khác;

+ Phương án kết nối với các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không cho từng khu vực, từng tuyến đường; kết nối với hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất;

+ Xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch theo thứ tự ưu tiên đầu tư;

+ Xây dựng giải pháp chi tiết để thực hiện quy hoạch.

Lưu ý:

Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là 10 năm, tầm nhìn là từ 20 năm đến 30 năm.

-Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được rà soát theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn

Kết luận: Trên đây là những quy định về Đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mà Dữ Liệu Pháp Lý đã tổng hợp và phân tích. Để hiệu quả của việc Đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đạt được một cách tốt nhất thì việc Đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải thực hiện theo quy hoạch và cần có sự phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức và cơ quan Nhà nước theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi, bổ sung 2018.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thủ tục Nội dung