50. Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
Hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô là một trong số những hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ thường xuyên, liên tục trong các hoạt động kinh doanh, thương mại. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này thông qua Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
1. Khái niệm
Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. (khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, động vật sống và các động sản khác được vận chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ. (khoản 28 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)
2. Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
Theo Điều 72 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì:
– Việc vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô phải chấp hành các quy định sau đây:
+ Hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng và chằng buộc chắc chắn;
+ Khi vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi.
– Không được thực hiện các hành vi sau đây:
+ Chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe;
+ Chở người trong thùng xe, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này.
3. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
Theo Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô được quy định như sau:
– Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải là việc sử dụng xe ô tô có trọng tải từ 1.500 ki-lô-gam trở xuống để vận chuyển hàng hóa và người thuê vận tải trả tiền cho lái xe theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền trên xe. Mặt ngoài hai bên thành xe hoặc cánh cửa xe niêm yết chữ “TAXI TẢI”, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị kinh doanh.
– Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng
+ Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng là việc sử dụng xe ô tô phù hợp để vận chuyển loại hàng có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không thể tháo rời;
+ Khi vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, lái xe phải mang theo Giấy phép lưu hành (Giấy phép sử dụng đường bộ) còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp.
– Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm là việc sử dụng xe ô tô để vận chuyển hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp.
– Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ là việc sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc để vận chuyển công-ten-nơ.
– Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường là hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa trừ các hình thức kinh doanh vận tải quy định tại các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải phải có phù hiệu “XE TẢI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
– Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải chịu trách nhiệm việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
– Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải cấp cho lái xe Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường. Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) phải có xác nhận (ký, ghi rõ họ và tên) khối lượng hàng hóa đã xếp lên phương tiện của chủ hàng (hoặc người được chủ hàng ủy quyền) hoặc đại diện đơn vị, cá nhân thực hiện việc xếp hàng.
– Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc phải có thiết bị để truy cập vào phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật. Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được chở hàng vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông.
– Đối với hoạt động vận chuyển xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự qua hầm đường bộ áp dụng theo quy định tại khoản 5 Điều này.
Lưu ý: Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc điện tử do đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa tự phát hành và có các thông tin tối thiểu gồm: Tên đơn vị vận tải; biển kiểm soát xe; tên đơn vị hoặc người thuê vận tải; hành trình (điểm đầu, điểm cuối); số hợp đồng, ngày tháng năm ký hợp đồng (nếu có); loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, trước khi thực hiện vận chuyển, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.
4. Quy định về xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá
Theo Điều 46 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT thì:
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá phải đáp ứng các quy định tại khoản 6 Điều 9 và Điều 14 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
– Phải được niêm yết các thông tin theo quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.
– Vị trí niêm yết thông tin
+ Đối với xe ô tô tải, xe đầu kéo: niêm yết ở mặt ngoài hai bên cánh cửa buồng lái;
+ Đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc có thùng chở hàng: niêm yết ở mặt ngoài hai bên thùng xe;
+ Đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc không có thùng chở hàng: niêm yết thông tin trên bảng bằng kim loại được gắn với khung xe tại vị trí dễ quan sát bên cạnh hoặc phía sau.
– Xe ô tô vận tải hàng hóa phải có kích thước thùng xe đúng theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
– Trên xe có trang bị bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn sử dụng theo quy định, dụng cụ thoát hiểm.
– Phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ” gắn trên xe công-ten-nơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này; Phù hiệu “XE TẢI” gắn trên xe tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này; Phù hiệu “XE ĐẦU KÉO” gắn trên xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 ban hành kèm theo Thông tư này.
– Phù hiệu được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
Kết luận: Theo đó, khi kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô ngoài việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh mà còn phải đáp ứng các điều kiện về ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá. Đồng thời, chấp hành các quy định theo Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
Thủ tục | Nội dung |
---|