51. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa

Hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa là hoạt động thường xuyên, liên tục trong đời sống hằng ngày cũng như trong các hoạt động kinh doanh, thương mại. Vậy người kinh doanh vận tải hàng hóa có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội này qua Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.

1. Khái niệm

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. (khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, động vật sống và các động sản khác được vận chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ. (khoản 28 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)

2. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa

Theo Điều 73 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì:

Người kinh doanh vận tải hàng hóa có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó;

+ Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ cước, phí vận tải và chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

+ Từ chối vận chuyển nếu người thuê vận tải không giao hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng;

+ Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết.

Người kinh doanh vận tải hàng hóa có các nghĩa vụ sau đây:

+ Cung cấp phương tiện đúng loại, thời gian, địa điểm và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng;

Hướng dẫn xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện;

+ Bồi thường thiệt hại cho người thuê vận tải do mất mát, hư hỏng hàng hóa xảy ra trong quá trình vận tải từ lúc nhận hàng đến lúc giao hàng, trừ trường hợp miễn bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

+ Bồi thường thiệt hại do người làm công, người đại diện gây ra trong khi thực hiện công việc được người kinh doanh vận tải giao;

+ Chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái quy định của Luật này.

3. Quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa

Theo Điều 48 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT thì đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có quyền hạn và trách nhiệm như sau:

Thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 7 Điều 14, Điều 16 và Điều 54 của Thông tư này.

– Xây dựng và thực hiện đúng, đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này; thực hiện các quy định tại Điều 15 của Thông tư này.

Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải thực hiện các quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 13 của Thông tư này.

– Trực tiếp điều hành phương tiện, người lái xe của đơn vị mình để thực hiện vận chuyển hàng hoá theo một trong các hình thức sau:

+ Thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải;

+ Thông qua Hợp đồng vận chuyển;

+ Thông qua Giấy vận tải (Giấy vận chuyển).

Quyết định giá cước vận tải đối với hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị.

– Có trách nhiệm phổ biến cho người lái xe việc chấp hành quy định của pháp luật về trọng tải của phương tiện lưu thông trên đường; không được tổ chức hoặc yêu cầu người lái xe bốc xếp và vận chuyển hàng hóa vượt quá khối lượng cho phép theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm liên đới nếu xe thuộc quyền quản lý của đơn vị thay đổi các thông số kỹ thuật của xe trái với quy định, vận chuyển hàng hóa vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông.

Chịu trách nhiệm khi người lái xe chở hàng hóa vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

– Đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải phải trang bị cho người lái xe thiết bị truy cập được giao diện thể hiện hợp đồng vận tải điện tử, giấy vận tải (giấy vận chuyển) điện tử.

– Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan.

4. Quyền hạn, trách nhiệm của người lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa

Theo Điều 49 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT thì người lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa có quyền hạn và trách nhiệm như sau:

Thực hiện đúng, đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông quy định tại Điều 4 và Điều 6 của Thông tư này.

– Khi vận chuyển hàng hóa, người lái xe phải mang theo Giấy vận tải và các giấy tờ của người lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật. Người lái xe điều khiển phương tiện có sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải phải có thiết bị truy cập được giao diện thể hiện hợp đồng vận tải điện tử, giấy vận tải (giấy vận chuyển) điện tử trong quá trình vận chuyển.

– Trước khi thực hiện vận chuyển hàng hóa, người lái xe yêu cầu người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận việc xếp hàng vào Giấy vận tải; từ chối vận chuyển nếu việc xếp hàng không đúng quy định của pháp luật.

Có quyền từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, phương tiện không lắp thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với loại xe thuộc đối tượng phải lắp) hoặc có lắp nhưng không hoạt động; phương tiện xếp hàng vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép tham gia giao thông.

Không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, camera lắp trên xe.

Không chở quá khối lượng hàng hoá cho phép tham gia giao thông hoặc vượt quá khổ giới hạn của xe được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô.

Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan.

Kết luận: Người kinh doanh vận tải hàng hóa thực hiện nghiêm chỉnh các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của  Luật giao thông đường bộ 2008. Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và người lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa được giới hạn trách nhiệm theo quy định của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa

Thủ tục Nội dung