54. Vận chuyển động vật sống/Vận chuyển hàng nguy hiểm/Hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị

Vận chuyển động vật sống, Vận chuyển hàng nguy hiểm, Hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị là những hoạt động vận chuyển đặc biệt và phải tuân theo những nguyên tắc, những quy định của pháp luật hiện hành. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 42/2020/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Hàng nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. (khoản 29 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008).

Vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ. (khoản 30 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008).

2. Vận chuyển động vật sống

Điều 77 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định như sau:

Tùy theo loại động vật sống, người kinh doanh vận tải yêu cầu người thuê vận tải bố trí người áp tải để chăm sóc trong quá trình vận tải.

– Người thuê vận tải chịu trách nhiệm về việc xếp, dỡ động vật sống theo hướng dẫn của người kinh doanh vận tải; trường hợp người thuê vận tải không thực hiện được thì phải trả cước, phí xếp, dỡ cho người kinh doanh vận tải.

– Việc vận chuyển động vật sống trên đường phải tuân theo quy định của pháp luật về vệ sinh, phòng dịch và bảo vệ môi trường.

3. Vận chuyển hàng nguy hiểm

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 42/2020/NĐ-CP thì hàng nguy hiểm bao gồm:

– Chất nổ và vật phẩm dễ nổ.

– Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng.

– Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng.

– Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng.

– Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể.

– Chất rất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng.

– Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.

– Khí dễ cháy.

– Khí không dễ cháy, không độc hại.

– Khí độc hại.

Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.

– Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy.

– Chất có khả năng tự bốc cháy.

– Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.

– Chất ôxi hóa.

– Perôxít hữu cơ.

– Chất độc.

– Chất gây nhiễm bệnh.

– Chất phóng xạ.

– Chất ăn mòn.

– Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.

Theo quy định tại Điều 78 Luật Giao thông đường bộ 2008 việc vận chuyển hàng nguy hiểm được quy định như sau:

Xe vận chuyển hàng nguy hiểm phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

– Xe vận chuyển hàng nguy hiểm không được dừng, đỗnơi đông người, những nơi dễ xảy ra nguy hiểm.

Lưu ý: Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

4. Hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị

Theo quy định tại Điều 79 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị được quy định như sau:

Xe buýt phải chạy đúng tuyến, đúng lịch trìnhdừng, đỗ đúng nơi quy định.

Người lái xe taxi khách, xe taxi tải đón, trả hành khách, hàng hóa theo thỏa thuận giữa hành khách, chủ hàng và người lái xe nhưng phải chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông.

Xe chở hàng phải hoạt động theo đúng tuyến, phạm vi và thời gian quy định đối với từng loại xe.

Xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở phế thải, vật liệu rời phải được che phủ kín không để rơi, vãi trên đường phố; trường hợp để rơi, vãi thì người vận tải phải chịu trách nhiệm thu dọn ngay.

Lưu ý: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật.

Kết luận: Việc vận chuyển động vật sống, vận chuyển hàng nguy hiểm, vận chuyển vận tải đường bộ trong đô thị phải tuân theo những nguyên tắc và những quy định của pháp luật hiện hành. Các quy định này được nêu rõ tại Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 42/2020/NĐ-CP.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Vận chuyển động vật sống/Vận chuyển hàng nguy hiểm/Hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị

Thủ tục Nội dung