61. Thanh tra đường bộ

Thanh tra đường bộ là gì? Việc thực hiện thanh tra được thực hiện như thế nào? Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ làm rõ nội dung đó thông qua Luật giao thông đường bộ 2008, Luật thanh tra 2010

1. Khái niệm:

Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. (Theo khoản 1 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008)

Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giao thông đường bộ. (Theo khoản 1 Điều 86 Luật giao thông đường bộ 2008)

Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó. (Theo khoản 3 Điều 3 Luật thanh tra 2010)

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra đường bộ

Theo Khoản 2 Điều 86 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:

– Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ; trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó;

– Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ;

– Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới. Việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng quân đội, công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

– Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Vị trí, chức năng của thanh tra Bộ Giao thông vận tải

3.1 Vị trí

– Thanh tra Bộ GTVT là cơ quan của Bộ Giao thông vận tải, có con dấu và tài khoản riêng. Thanh tra Bộ Giao thông vận tải chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ

3.2 Chức năng:

– Tham mưu quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;

– Thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải theo quy định của pháp luật.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra Bộ Giao thông vận tải:

Theo Điều 18 Luật thanh tra 2010 quy định:

4.1. Trong quản lý nhà nước về thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ

– Xây dựng kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra bộ; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ;

– Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, Thanh tra sở; hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn vị thuộc bộ thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra;

– Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ báo cáo về công tác thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;

– Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng, Thanh tra bộ.

4.2. Trong hoạt động thanh tra

– Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của bộ; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng quyết định thành lập;

– Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực do bộ phụ trách;

– Thanh tra vụ việc khác do Bộ trưởng giao;

– Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ khi cần thiết.

Lưu ý: Ngoài ra thanh tra bộ còn có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

– Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

– Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Kết luận: Thanh tra Bộ GTVT là cơ quan của Bộ Giao thông vận tải. Nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra đường bộ được quy định trong Luật giao thông đường bộ 2008, Luật thanh tra 2010

Trình tư, thủ tục thực hiện, hồ sơ, biểu mẫu xem tại đây:

Thanh tra đường bộ

Thủ tục Nội dung