13. Sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú

Khi điều trị nội trú người bệnh phải tuân theo các quy định cũng như chỉ dẫn của người hành nghề. Trong đó việc sử dụng thuốc đóng một vai trò then chốt ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người bệnh. Vì vậy pháp luật đã có những yêu cầu trong việc sử dụng thuốc được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ tìm hiểu về sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú.

1. Khái niệm

Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người hành nghề). (khoản 6 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cố định hoặc lưu động đã được cấp giấy phép hoạt động và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. (khoản 7 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

Người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. (khoản 3 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

Tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật. (khoản 13 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

2. Điều trị nội trú

Điều 58 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định như sau về điều trị nội trú:

– Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc vào, chuyển hoặc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chuyển khoa phải bảo đảm kịp thờikhông gây phiền hà cho người bệnh.

– Điều trị nội trú được thực hiện trong trường hợp sau đây:

+ Có chỉ định điều trị nội trú của người hành nghề thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Có giấy chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

Thủ tục điều trị nội trú được quy định như sau:

+ Nhận người bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp người bệnh mắc nhiều bệnh, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xem xét, quyết định khoa sẽ tiến hành điều trị;

+ Hướng dẫn người bệnh đến khoa nơi người bệnh sẽ điều trị nội trú.

– Việc chuyển khoa được thực hiện trong trường hợp phát hiện người mắc bệnh mà bệnh đó không thuộc phạm vi chuyên môn của khoa đang tiến hành điều trị hoặc bệnh liên quan chủ yếu đến chuyên khoa khác.

– Các trường hợp sau đây phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

+ Bệnh vượt quá khả năng điều trị và điều kiện vật chất của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Bệnh không phù hợp với phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Theo yêu cầu của người bệnh.

Thủ tục chuyển khoa, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định như sau:

+ Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, tổng kết toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh;

+ Nếu chuyển khoa thì chuyển toàn bộ hồ sơ bệnh án của người bệnh đến khoa mới; nếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì gửi giấy chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kèm tóm tắt hồ sơ bệnh án đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới.

– Khi tình trạng bệnh của người bệnh đã ổn định hoặc người bệnh có yêu cầu được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và có cam kết của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh, sau khi đã có sự tư vấn của người hành nghề thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:

+ Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, tổng kết toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh;

+ Hướng dẫn người bệnh về việc tự chăm sóc sức khỏe;

+ Chỉ định chế độ điều trị ngoại trú trong trường hợp cần thiết;

+ Quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 16 của Luật này;

+ Làm giấy cho người bệnh ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú

Điều 60 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú như sau:

– Việc sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

+ Chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả;

+ Việc kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh;

+ Đúng quy định về bảo quản, cấp phát và sử dụng thuốc.

– Khi kê đơn thuốc, người hành nghề phải ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc hoặc bệnh án thông tin về tên thuốc, hàm lượng, liều dùng, cách dùng và thời gian dùng thuốc.

Khi cấp phát thuốc cho người bệnh, người được giao nhiệm vụ cấp phát thuốc có trách nhiệm sau đây:

+ Kiểm tra đơn thuốc, phiếu lĩnh thuốc, hàm lượng, liều dùng, cách dùng, tên thuốc và chất lượng thuốc;

+ Đối chiếu đơn thuốc với các thông tin về nồng độ, hàm lượng, số lượng khi nhận thuốc và hạn dùng ghi trên phiếu lĩnh thuốc, nhãn thuốc;

+ Đối chiếu họ tên người bệnh, tên thuốc, dạng thuốc, hàm lượng, liều dùng, cách dùng, thời gian dùng trước khi cho người bệnh sử dụng thuốc;

+ Ghi chép đầy đủ thời gian cấp phát thuốc cho người bệnh, theo dõi và ghi diễn biến lâm sàng của người bệnh vào hồ sơ bệnh án, phát hiện kịp thời các tai biến và báo cho người hành nghề trực tiếp điều trị.

– Sau khi người bệnh dùng thuốc, người hành nghề trực tiếp điều trị có trách nhiệm theo dõi tác dụng và xử lý kịp thời tai biến do dùng thuốc.

Người bệnh có trách nhiệm dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của người hành nghề và thông báo cho người hành nghề về các dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc.

Kết luận: Trên đây là các quy định về sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cũng như người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của mình và người khác.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện xem tại đây:

Sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú

Thủ tục Nội dung