15. Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là môi trường dễ dàng cho việc nhiễm khuẩn xảy ra. Để đảm bảo sức khoẻ tốt nhất cho người bệnh cũng như người hành nghề khám, chữa bệnh cần có các biện pháp để kiểm soát nhiễm khuẩn. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Thông tư 16/2018/TT-BYT.
1. Khái niệm
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người hành nghề). (khoản 6 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cố định hoặc lưu động đã được cấp giấy phép hoạt động và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. (khoản 7 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.(khoản 3 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế (sau đây gọi tắt là nhiễm khuẩn bệnh viện) là các nhiễm khuẩn xảy ra trong quá trình người bệnh được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.(khoản 1 Điều 2 Thông tư 16/2018/TT-BYT)
Giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện là quá trình thu thập, phân tích, diễn giải các dữ liệu nhiễm khuẩn bệnh viện một cách hệ thống và liên tục và thông báo kịp thời kết quả tới những người liên quan.(khoản 2 Điều 2 Thông tư 16/2018/TT-BYT)
Kiểm soát nhiễm khuẩn là việc xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện các quy định, hướng dẫn, quy trình chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng trong quá trình cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. (khoản 3 Điều 2 Thông tư 16/2018/TT-BYT)
Phòng ngừa chuẩn là các biện pháp phòng ngừa cơ bản áp dụng cho mọi người bệnh không phụ thuộc vào chẩn đoán, tình trạng nhiễm trùng và thời điểm khám, điều trị, chăm sóc dựa trên nguyên tắc coi máu, chất tiết và chất bài tiết của người bệnh đều có nguy cơ lây truyền bệnh. (khoản 4 Điều 2 Thông tư 16/2018/TT-BYT)
2. Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Điều 62 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định như sau về kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
– Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
+ Khử trùng thiết bị y tế, môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân;
+ Vệ sinh an toàn thực phẩm;
+ Giám sát nhiễm khuẩn;
+ Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn khác theo quy định của pháp luật.
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:
+ Thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị, trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho người làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh và người khác đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với yêu cầu về kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Tư vấn về các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn cho người bệnh và người nhà của người bệnh;
+ Thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn khác theo quy định của pháp luật.
– Người làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh và người khác đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tuân thủ quy định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về kiểm soát nhiễm khuẩn.
3. Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Điều 4 Thông tư 16/2018/TT-BYT quy định về giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch như sau:
– Giám sát, phát hiện, báo cáo và quản lý dữ liệu nhiễm khuẩn bệnh viện, vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, các trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch.
– Thực hiện biện pháp can thiệp kịp thời nhằm làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch, sử dụng kháng sinh hợp lý trên cơ sở kết quả giám sát.
Điều 6 Thông tư 16/2018/TT-BYT quy định về vệ sinh tay như sau:
– Tổ chức thực hiện các quy định về vệ sinh tay, trang bị sẵn có phương tiện, hóa chất vệ sinh tay cho nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm tại các vị trí khám bệnh, điều trị, chăm sóc người bệnh và nơi có nhiều người tiếp xúc.
– Kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc tuân thủ các quy định về vệ sinh tay của nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.
Điều 7 Thông tư 16/2018/TT-BYT quy định về phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân như sau:
– Tổ chức thực hiện các quy định về phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.
– Thực hiện các biện pháp cách ly phòng ngừa phù hợp đối với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người bệnh nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc kháng sinh.
– Hướng dẫn, nhắc nhở nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi khám bệnh, điều trị và chăm sóc người bệnh.
– Kiểm tra việc tuân thủ phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế học viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.
Điều 8 Thông tư 16/2018/TT-BYT quy định về quản lý và xử lý thiết bị, dụng cụ y tế như sau:
– Thực hiện quản lý, xử lý dụng cụ y tế tập trung, kiểm soát việc xử lý thiết bị, dụng cụ y tế tái sử dụng bảo đảm an toàn, chất lượng.
– Bảo quản thiết bị, dụng cụ y tế sau xử lý bảo đảm vô khuẩn trước khi sử dụng cho người bệnh.
– Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý, xử lý thiết bị, dụng cụ y tế tại các khoa, phòng.
Điều 9 Thông tư 16/2018/TT-BYT quy định về quản lý và xử lý đồ vải y tế như sau:
– Cung cấp đồ vải cho người bệnh, nhân viên y tế hằng ngày và khi cần.
– Xử lý đồ vải tập trung tại khu giặt là. Đồ vải nhiễm khuẩn, đồ vải có máu, dịch tiết sinh học phải được xử lý riêng bảo đảm an toàn.
– Bảo quản đồ vải sau xử lý trong tủ, kệ bảo đảm sạch, vô khuẩn và được vận chuyển riêng bằng phương tiện chuyên dụng.
– Kiểm soát chất lượng và thường xuyên kiểm tra, giám sát, quy trình xử lý đồ vải.
– Nhân viên quản lý, xử lý đồ vải phải có kiến thức chuyên môn về xử lý đồ vải y tế.
– Bố trí nơi giặt, sấy hoặc phơi đồ vải tập trung cho người nhà người bệnh.
Điều 10 Thông tư 16/2018/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế như sau:
– Thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật.
– Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thực hành quản lý chất thải, bảo đảm chất thải được phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý an toàn theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 11 Thông tư 16/2018/TT-BYT quy định về vệ sinh môi trường bệnh viện như sau:
– Tổ chức thực hiện, kiểm tra vệ sinh môi trường theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng môi trường nước, môi trường bề mặt, môi trường không khí cho từng khu vực theo quy định của Bộ Y tế và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
– Bố trí đủ nhà vệ sinh cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.
– Thực hiện diệt chuột, côn trùng định kỳ.
– Người làm công tác vệ sinh môi trường tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có kiến thức về vệ sinh môi trường.
Điều 12 Thông tư 16/2018/TT-BYT quy định về an toàn thực phẩm như sau:
– Tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm về vi sinh vật. Giám sát, báo cáo các trường hợp bị nhiễm khuẩn liên quan đến thực phẩm được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
– Phối hợp với cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm tại địa bàn để triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh về an toàn thực phẩm.
Kết luận: Trên đây là các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và Thông tư 16/2018/TT-BYT. Để tìm hiểu thêm về các quy định về vấn đề này vui lòng tham khảo tại Thông tư 16/2018/TT-BYT.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Thủ tục | Nội dung |
---|