26. Hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hệ thống tổ chức liên hệ mật thiết với nhau. Hệ thống được phân chia thành các tuyến và có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp với nhau. Quy định cụ thể về phân các tuyến sẽ được Dữ Liệu Pháp Lý làm rõ qua Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, Thông tư 43/2013/TT-BYT, Thông tư 46/2016/TT-BQP.

1. Khái niệm

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cố định hoặc lưu động đã được cấp giấy phép hoạt động và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. (khoản 7 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)

Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. (khoản 1 Điều 81 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)

2. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 43/2013/TT-BYT thì hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bao gồm 4 tuyến như sau:

Tuyến trung ương (sau đây gọi là tuyến 1) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

– Bệnh viện hạng đặc biệt;

– Bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế;

– Bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Y tế) hoặc thuộc các Bộ, ngành khác được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật;

Tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tuyến 2) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

– Bệnh viện xếp hạng II trở xuống trực thuộc Bộ Y tế;

– Bệnh viện hạng I, hạng II trực thuộc Sở Y tế hoặc thuộc các Bộ, ngành khác, trừ các bệnh viện được quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

Tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là tuyến 3) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

– Bệnh viện hạng III, hạng IV, bệnh viện chưa xếp hạng, trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh ở những địa phương chưa có bệnh viện huyện, bệnh xá công an tỉnh;

– Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, nhà hộ sinh.

Tuyến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là tuyến 4) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

– Trạm y tế xã, phường, thị trấn;

– Trạm xá, trạm y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức;

– Phòng khám bác sỹ gia đình.

3. Trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ

Theo khoản 3 Điều 81 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tuyến trên có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tuyến dưới.

Tuy nhiên, đối với đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý thì chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 46/2016/TT-BQP như sau:

– Bệnh viện tuyến 1 chỉ đạo, hỗ trợ bệnh viện tuyến 2

+ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: giúp các bệnh viện tuyến 2 trên địa bàn Quân khu 1, Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Thủ đô;

+ Bệnh viện quân y 103/Học viện Quân y: chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện tuyến 2 trên địa bàn Quân khu 2, Quân khu 4;

+ Bệnh viện quân y 175: chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện tuyến 2 trên địa bàn Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9;

+ Viện Y học cổ truyền Quân đội, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện toàn quân về chuyên ngành Y học cổ truyền và Bỏng.

– Bệnh viện tuyến 2 có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ bệnh viện, bệnh xá tuyến 3 thuộc các đơn vị có đăng ký tuyến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện.

– Các trường hợp tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới nhưng không thuộc địa bàn phụ trách hoặc không đúng tuyến thì đơn vị tuyến dưới gửi công văn đề nghị về Cục Quân y xem xét, quyết định.

Hỗ trợ tuyến về chuyên môn giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng thuộc một đơn vị đầu mối cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng do người chỉ huy xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm quân y đơn vị đầu mối cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4.

– Các đơn vị và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới có trách nhiệm phối hợp, liên kết tuyến chặt chẽ với các bệnh viện tuyến trên trong cấp cứu, điều trị, chuyển tuyến để nâng cao năng lực chuyên môn, rút kinh nghiệm công tác cấp cứu, điều trị người bệnh.

Kết luận: Hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân thành các tuyến cụ thể, các tuyến phối hợp, liên kết và hỗ trợ nhau về chuyên môn kỹ thuật theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, Thông tư 43/2013/TT-BYT, Thông tư 46/2016/TT-BQP.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Thủ tục Nội dung