6. Đoàn kiểm toán

Đoàn kiểm toán bao gồm những người sẽ thực hiện trực tiếp nhiệm vụ kiểm toán, đồng thời cũng sẽ là những người chịu trách nhiệm chính của các kết quả kiểm toán. Và qua bài viết này, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ phân tích các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 liên quan đến đoàn kiểm toán.

1. Thành lập và giải thể Đoàn kiểm toán:

Quy định tại Điều 36 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 về thành lập và giải thể Đoàn kiểm toán như sau:

– Đoàn kiểm toán được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thành lập Đoàn kiểm toán theo đề nghị của Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực. Căn cứ vào quy mô cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán có thể có Tổ kiểm toán.

– Đoàn kiểm toán tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán nhưng phải chịu trách nhiệm về những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán.

2. Thành phần Đoàn kiểm toán:

Theo quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 thì thành phần Đoàn kiểm toán bao gồm:

– Trưởng Đoàn kiểm toán.

– Các Phó trưởng Đoàn kiểm toán.

– Các Tổ trưởng Tổ kiểm toán, nếu Đoàn kiểm toán có Tổ kiểm toán.

– Các thành viên.

3. Tiêu chuẩn Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán

 Được quy định tại Điều 38 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 về tiêu chuẩn Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán như sau:

– Tiêu chuẩn của Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán:

+ Có đủ trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm công tác phù hợp với nhiệm vụ được giao;

+ Là Kiểm toán viên chính giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng trở lên hoặc Kiểm toán viên giữ chức vụ từ Trưởng phòng trở lên.

– Tiêu chuẩn của Tổ trưởng Tổ kiểm toán:

+ Có đủ trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm công tác phù hợp với nhiệm vụ được giao;

+ Là Kiểm toán viên chính hoặc Kiểm toán viên giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng trở lên.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của trưởng Đoàn, phó trưởng Đoàn và tổ trưởng Tổ kiểm toán

a. Đối với trưởng Đoàn kiểm toán:

Quy định tại Điều 39 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 được sửa đổi, bổ sung và có cụm từ được thay thế bởi khoản 6 và khoản 15 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019.

– Trưởng Đoàn kiểm toán có nhiệm vụ sau đây:

+ Tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo quyết định kiểm toán;

+ Duyệt kế hoạch kiểm tra, đối chiếu tại cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, báo cáo Kiểm toán trưởng trước khi thực hiện; duyệt biên bản kiểm toán của các Tổ kiểm toán; lập báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; báo cáo, giải trình kết quả kiểm toán trước Kiểm toán trưởng và cùng Kiểm toán trưởng báo cáo, giải trình kết quả đó trước Tổng Kiểm toán nhà nước; tổ chức thông báo kết quả kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán nhà nước thông qua với đơn vị được kiểm toán; ký vào báo cáo kiểm toán;

+ Quản lý thành viên Đoàn kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước;

+ Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Kiểm toán trưởng về tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán, tình hình và kết quả hoạt động kiểm toán.

– Trưởng Đoàn kiểm toán có quyền hạn sau đây:

+ Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán;

+ Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán;

+ Đề nghị Kiểm toán trưởng kiến nghị Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật; niêm phong tài liệu của đơn vị được kiểm toán khi có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sửa đổi, chuyển dời, cất giấu, tiêu hủy tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán;

+ Yêu cầu Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên Đoàn kiểm toán báo cáo kết quả kiểm toán; khi có ý kiến khác nhau trong Đoàn kiểm toán về kết quả kiểm toán thì Trưởng Đoàn kiểm toán được quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời báo cáo ý kiến khác nhau đó với Kiểm toán trưởng;

+ Bảo lưu bằng văn bản ý kiến của mình khác với đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán;

+ Báo cáo Kiểm toán trưởng đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị được kiểm toán;

+ Tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn kiểm toán từ Tổ trưởng Tổ kiểm toán trở xuống khi có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này;

+ Khi thực hiện kiểm toán, được quyền truy cập, khai thác hoặc ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật cho thành viên Đoàn kiểm toán truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán dưới sự giám sát về phạm vi truy cập, khai thác của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

– Trưởng Đoàn kiểm toán có trách nhiệm sau đây:

+ Chịu trách nhiệm trước Kiểm toán trưởng về hoạt động của Đoàn kiểm toán;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán;

+ Chịu trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm toán của thành viên Đoàn kiểm toán; chịu trách nhiệm về quyết định, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ đối với thành viên trong Đoàn kiểm toán từ Tổ trưởng Tổ kiểm toán trở xuống.

b. Đối với phó trưởng Đoàn kiểm toán:

Quy định tại Điều 40 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 như sau:

Phó trưởng Đoàn kiểm toán giúp Trưởng Đoàn kiểm toán thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn kiểm toán và chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn kiểm toán về nhiệm vụ được phân công.

c. Đối với tổ trưởng Tổ kiểm toán:

Quy định tại Điều 41 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 có cụm từ được thay thế theo khoản 15 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước 2019 về tổ trưởng tổ kiểm toán như sau:

Tổ trưởng Tổ kiểm toán có nhiệm vụ sau đây:

+ Tổ chức thực hiện kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt;

+ Tổng hợp kết quả kiểm toán, lập và ký biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán;

+ Quản lý thành viên Tổ kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

– Tổ trưởng Tổ kiểm toán có quyền hạn sau đây:

+ Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán;

+ Báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý thành viên Tổ kiểm toán có sai phạm để Trưởng Đoàn kiểm toán xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

+ Đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán làm rõ lý do thay đổi đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán;

+ Bảo lưu bằng văn bản ý kiến của mình khác với đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán;

+ Đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán tạm đình chỉ nhiệm vụ thành viên Tổ kiểm toán khi có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này.

– Tổ trưởng Tổ kiểm toán có trách nhiệm sau đây:

+ Chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn kiểm toán về hoạt động của Tổ kiểm toán;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán;

+ Giải trình các vấn đề có liên quan đến công tác của Tổ kiểm toán theo yêu cầu của Trưởng Đoàn kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

+ Chịu trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm toán của thành viên Tổ kiểm toán.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn kiểm toán

a. Đối với thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước:

Quy định tại Điều 42 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 có cụm từ được thay thế theo khoản 15 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước 2019 về thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước như sau:

– Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước có nhiệm vụ sau đây

+ Chấp hành sự phân công và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm toán với Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán;

+ Khi tiến hành kiểm toán phải tuân theo pháp luật; tuân thủ nguyên tắc, chuẩn mực, quy trình kiểm toán và các quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước;

+ Thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán; ghi nhật ký kiểm toán và tài liệu làm việc của Kiểm toán viên nhà nước; lưu giữ, bảo quản hồ sơ kiểm toán theo quy định của pháp luật;

+ Chấp hành ý kiến chỉ đạo và kết luận của Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán;

+ Chấp hành kỷ luật công tác của Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

– Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước có quyền hạn sau đây:

+ Khi thực hiện kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;

+ Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán;

+ Sử dụng thông tin, tài liệu của cộng tác viên Kiểm toán nhà nước; xem xét tài liệu liên quan đến hoạt động của đơn vị được kiểm toán; thu thập, bảo vệ tài liệu và bằng chứng khác; xem xét quy trình hoạt động của đơn vị được kiểm toán;

+ Bảo lưu ý kiến bằng văn bản về kết quả kiểm toán trong phạm vi được phân công và báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; trường hợp không thống nhất thì báo cáo Kiểm toán trưởng; trường hợp Kiểm toán trưởng không thống nhất thì báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước;

+ Đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán làm rõ lý do thay đổi những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị của mình trong biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán;

+ Đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán yêu cầu đơn vị được kiểm toán giải trình về những vấn đề liên quan đến việc kiểm toán; đề nghị mời chuyên gia, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước khi cần thiết;

+ Được bảo đảm điều kiện và phương tiện cần thiết để tiến hành kiểm toán

b. Đối với thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước:

Quy định tại Điều 43 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 về thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước như sau:

– Thành viên Đoàn kiểm toán không phải Kiểm toán viên nhà nước gồm:

+ Công chức, viên chức của Kiểm toán nhà nước;

+ Cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.

– Thành viên Đoàn kiểm toán không phải Kiểm toán viên nhà nước có nhiệm vụ và trách nhiệm sau đây:

+ Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán;

+ Tuân thủ pháp luật, chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

+ Chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán về nhiệm vụ được giao.

Kết luận: Trên đây là các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước liên quan tới Đoàn kiểm toán. Hy vọng với bài viết này, Dữ Liệu Pháp Lý đã đem đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản và cần thiết xoay quanh vấn đề này.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Đoàn kiểm toán

Thủ tục Nội dung