7. Quy trình kiểm toán
Kiểm toán nhà nước là 1 công việc quan trọng nhằm đánh giá tính hợp pháp, đầy đủ của các số liệu, báo cáo liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước. Vì vậy nên quy trình kiểm toán đã được pháp luật quy định khá chi tiết. Và qua bài viết này, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ phân tích các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 liên quan đến quy trình trên.
1. Các bước của quy trình kiểm toán
Quy định tại Điều 44 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 về các bước của quy trình kiểm toán như sau:
– Chuẩn bị kiểm toán.
– Thực hiện kiểm toán.
– Lập và gửi báo cáo kiểm toán.
– Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
2. Chuẩn bị kiểm toán
Chuẩn bị kiểm toán được quy định tại Điều 45 Luật Kiểm toán nhà nước 2015, bao gồm có:
– Khảo sát, thu thập thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ, tình hình tài chính và các thông tin có liên quan về đơn vị được kiểm toán.
– Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập về đơn vị được kiểm toán để xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán và phương pháp kiểm toán thích hợp.
– Lập kế hoạch kiểm toán.
3. Thực hiện kiểm toán
Thực hiện kiểm toán đuợc quy định tại Điều 46 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 có cụm từ được thay thế theo khoản 15 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước 2019, cụ thể như sau:
– Đoàn kiểm toán phải thực hiện kiểm toán đúng quyết định kiểm toán.
– Thành viên Đoàn kiểm toán áp dụng phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán; kiểm tra, đối chiếu, xác nhận; điều tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán làm cơ sở cho ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán về nội dung đã kiểm toán.
4. Lập và gửi báo cáo kiểm toán
Quy định tại Điều 47 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 về lập và gửi báo cáo kiểm toán như sau:
– Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán và gửi lấy ý kiến của đơn vị được kiểm toán.
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán phải có ý kiến bằng văn bản gửi Kiểm toán nhà nước; quá thời hạn trên, đơn vị được kiểm toán không có ý kiến thì được coi là đã nhất trí với dự thảo báo cáo kiểm toán.
– Báo cáo kiểm toán được Kiểm toán nhà nước gửi cho đơn vị được kiểm toán và cơ quan có liên quan theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán; trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.
– Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương được gửi cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp; đối với báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn được gửi cho Bộ Tài chính.
– Trường hợp báo cáo kiểm toán được tổng hợp từ kết quả kiểm toán của nhiều đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước gửi cho từng đơn vị được kiểm toán thông báo kết quả kiểm toán về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị đó trong báo cáo kiểm toán
Lưu ý: Xem thêm quy định tại Điều 48 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 về việc lập và gửi báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước.
5. Kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán
Quy định tại Điều 49 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 về kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán như sau:
– Kiểm toán nhà nước phải lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
– Việc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện theo các hình thức sau đây:
+ Yêu cầu đơn vị được kiểm toán báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán;
+ Tổ chức kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
– Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm lập và gửi báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Việc gửi báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 48 của Luật này.
Ngoài ra có thể xem thêm tại Điều 49a Luật Kiểm toán nhà nước về các quy định liên quan đến việc kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng như xem chi tiết hơn về các bước của quy trình kiểm toán tại Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (Được ban hành kèm theo Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN của Tổng kiểm toán nhà nước).
Kết luận: Trên đây là các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước liên quan tới quy trình kiểm toán. Hy vọng với bài viết này, Dữ Liệu Pháp Lý đã đem đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản và cần thiết xoay quanh vấn đề này.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Quyết định kiểm toán
Thủ tục | Nội dung |
---|