21. Tiền lương khi người lao động ngừng việc

Dựa theo những quy định tại Bộ Luật Lao động 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2021), Nghị định 145/2020/NĐ-CP, sau đây Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về Tiền lương khi người lao động ngừng việc.

1. Khái niệm.

– Theo quy định của khoản 1 Điều 90 Bộ Luật Lao động 2019 thì Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lươngcác khoản bổ sung khác.

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Bộ Luật Lao động 2019 thì Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ Luật Lao động 2019 thì Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Khoản 2 Điều 3 Bộ Luật Lao động 2019 quy định Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Tiền lương ngừng việc.

Trong trường hợp phải ngừng việc thì theo quy định tại Điều 99 Bộ Luật Lao động 2019 người lao động được trả lương như sau:

Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Lưu ý: Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động là Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương. (khoản 5 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP)

3. Trả tiền lương ngừng việc trong các trường hợp đặc biệt.

3.1 Trả lương ngừng việc trong trường hợp người sử dụng lao động chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Khoản 4 Điều 29 Bộ Luật Lao động 2019 thì khi người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 Bộ Luật Lao động.

3.2 Trả tiền lương ngừng việc khi người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lí do đình công.

Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lí do đình công thì được trả lương ngừng việc và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động. (khoản 1 Điều 207 Bộ Luật Lao động 2019)

Lưu ý: Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Kết luận: Những vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề Trả lương khi người lao động ngừng việc phải tuân theo những quy định của Bộ Luật Lao động 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2021), Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Tiền lương khi người lao động ngừng việc.

Thủ tục Nội dung