27. Thời giờ làm việc
Thời giờ làm việc là một chế định quan trọng trong pháp luật về lao động. Dựa vào những quy định của Bộ Luật Lao động 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2021), Nghị định 145/2020/NĐ-CP, sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về vấn đề Thời giờ làm việc.
1. Khái niệm.
– Theo quy định của khoản 1 Điều 90 Bộ Luật Lao động 2019 thì Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ Luật Lao động 2019 thì Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
– Khoản 2 Điều 3 Bộ Luật Lao động 2019 quy định Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Thời giờ làm việc bình thường.
Điều 105 Bộ Luật Lao động 2019 quy định:
– Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
– Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Lưu ý: khoản 2, khoản 3 Bộ Luật Lao động 2019 quy định:
– Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
3. Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương.
Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về những thời giờ được tính vào thời giời làm việc được hưởng lương bao gồm:
– Nghỉ giữa giờ quy định khoản 2 Điều 64 Nghị định này.
– Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.
– Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
– Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 137 của Bộ luật Lao động.
– Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
– Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
– Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 của Bộ luật Lao động.
– Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Lao động.
– Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
– Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Lưu ý:
– Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định cụ thể về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.
– Các bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với các công việc có tính chất đặc biệt quy định tại Điều 116 của Bộ luật Lao động và khoản 1 Điều 68 Nghị định 145/2020/NĐ-CP sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
(Khoản 2, 3 Điều 68 Nghị định 145/2020/NĐ-CP)
4. Thời giờ làm việc trong những trường hợp đặc biệt.
4.1 Đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt.
Theo quy định tại Điều 116 Bộ Luật Lao động 2019 thì Đối với các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; thăm dò, khai thác dầu khí trên biển; làm việc trên biển; trong lĩnh vực nghệ thuật; sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân; ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần; tin học, công nghệ tin học; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; thiết kế công nghiệp; công việc của thợ lặn; công việc trong hầm lò; công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng; công việc phải thường trực 24/24 giờ; các công việc có tính chất đặc biệt khác do Chính phủ quy định thì các Bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Khoản 1 Điều 68 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:
– Ngoài các công việc có tính chất đặc biệt quy định tại Điều 116 của Bộ luật Lao động, các công việc có tính chất đặc biệt về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi khác gồm:
+ Các công việc phòng chống thiên tai, hỏa hoạn và dịch bệnh;
+ Các công việc trong lĩnh vực thể dục, thể thao;
+ Sản xuất thuốc, vắc xin sinh phẩm;
+ Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí.
4.2 Đối với người chưa thành niên.
Thời giờ làm việc của người chưa thành niên được quy định tại Điều 146 Bộ Luật Lao động 2019 như sau:
– Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
– Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
4.3. Đối với người lao động cao tuổi.
Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. (khoản 2 Điều 148 Bộ Luật Lao động 2019)
Kết luận: Những vấn đề pháp lý liên quan đến Thời giờ làm việc phải tuân theo các quy định tại Bộ Luật Lao động 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2021), Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Thời giờ làm việc
Thủ tục | Nội dung |
---|