39. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
Nhu cầu làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng như đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng của người lao động Việt Nam. Dựa vào những quy định của Bộ Luật Lao động 2019, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Nghị định 75/2014/NĐ-CP, Thông tư 16/2015/TT-BLĐTBXH, Nghị định 38/2020/NĐ-CP, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về vấn đề Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
1. Khái niệm.
– Theo khoản 1 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.
– Khoản 1 Điều 2 Nghị định 75/2014/NĐ-CP quy định Người lao động Việt Nam là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có khả năng lao động, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Khoản 2 Điều 2 Nghị định 75/2014/NĐ-CP quy định Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam là cơ quan, tổ chức nước ngoài được cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
+ Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực;
+ Văn phòng thường trú cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình nước ngoài;
+ Tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài;
+ Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy đăng ký hoạt động theo quy định tại Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;
+ Văn phòng đại diện hoạt động không sinh lời tại Việt Nam của tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài.
– Khoản 3 Điều 2 Nghị định 75/2014/NĐ-CP quy định Cá nhân nước ngoài tại Việt Nam là người nước ngoài làm việc tại tổ chức nước ngoài tại Việt Nam hoặc hoặc người được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam.
2. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2.1 Các hình thức đi làm việc ở nước ngoài.
Điều 6 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định các hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm:
– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
– Hợp đồng cá nhân.
2.2 Các hành vi bị cấm trong hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
– Cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước cho doanh nghiệp không đủ điều kiện;
– Sử dụng Giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng Giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
– Giao nhiệm vụ điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho người đã quản lý doanh nghiệp bị thu hồi Giấy phép hoặc người đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên do vi phạm quy định của pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
– Đi làm việc hoặc đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, ngành, nghề và công việc bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc không được nước tiếp nhận người lao động cho phép.
Lưu ý: Khu vực và công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài: Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực đang bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm; Danh mục công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP. (Điều 3 Nghị định 38/2020/NĐ-CP)
– Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài.
– Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động.
– Tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc khi chưa đăng ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
– Sau khi nhập cảnh không đến nơi làm việc hoặc bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.
– Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động.
– Lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định của pháp luật.
– Gây phiền hà, cản trở, sách nhiễu người lao động hoặc doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
3. Người lao động Việt Nam lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
3.1 Quy định chung.
Khoản 2 Điều 150 Bộ Luật lao động 2019 quy định Công dân Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc làm việc cho cá nhân là công dân nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam và được pháp luật bảo vệ.
3.2 Thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Khoản 1 Điều 4 Nghị định 75/2014/NĐ-CP quy định các tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bao gồm:
– Tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền;
– Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
3.3 Trách nhiệm của người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Điều 7 Nghị định 75/2014/NĐ-CP quy định về Trách nhiệm của người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bao gồm:
– Tuân thủ pháp luật về lao động của Việt Nam.
– Thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
– Thực hiện đúng các quy định của tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam đã giới thiệu đến làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
3.4 Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng người lao động Việt Nam.
– Thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động và các quy định hiện hành.
– Thực hiện đúng văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam và hợp đồng lao động đã ký kết.
– Báo cáo tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam 06 (sáu) tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
(Điều 8 Nghị định 75/2014/NĐ-CP)
Lưu ý: Việc báo cáo định kỳ về tình hình tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam được quy định tại Điều 5 Thông tư 16/2015/TT-BLĐTBXH.
Kết luận: Những vấn đề liên quan đến Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo những quy định tại Bộ Luật Lao động 2019, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Nghị định 75/2014/NĐ-CP, Thông tư 16/2015/TT-BLĐTBXH, Nghị định 38/2020/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tục | Nội dung |
---|