41. Lao động là người giúp việc gia đình
Dựa theo những quy định của Bộ Luật lao động 2019, Nghị định 27/2014/NĐ-CP, Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về Lao động là người giúp việc gia đình.
1. Khái niệm.
– Theo khoản 1 Điều 161 Bộ Luật Lao động 2019 quy định Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
– Khoản 3 Điều 3 Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định Làm thường xuyên các công việc gia đình là các công việc trong hợp đồng lao động được lặp đi lặp lại theo một khoảng thời gian nhất định (hằng giờ, hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng).
– Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 27/2014/NĐ-CP là hộ gia đình hoặc nhiều hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo hợp đồng lao động.
2. Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình.
2.1 Chủ thể ký kết hợp đồng lao động là người giúp việc gia đình.
– Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong số các trường hợp sau đây:
+ Chủ hộ;
+ Người được chủ hộ hoặc các chủ hộ ủy quyền hợp pháp;
+ Người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc các hộ gia đình ủy quyền hợp pháp.
– Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong số các trường hợp sau đây:
+ Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
(Điều 4 Nghị định 27/2014/NĐ-CP, được hướng dẫn cụ thể tại Điều 3 Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH)
2.2 Ký kết hợp đồng lao động.
Điều 5 Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định một số vấn đề liên quan đến ký kết hợp đồng lao động:
– Khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động không biết chữ, người sử dụng lao động đọc toàn bộ nội dung hợp đồng lao động để người lao động nghe và thống nhất nội dung trước khi ký hợp đồng lao động; trường hợp cần thiết người lao động yêu cầu người sử dụng lao động mời người thứ ba không phải là thành viên của hộ gia đình làm chứng trước khi ký hợp đồng lao động.
– Trường hợp người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng nhiều lao động là người giúp việc gia đình thì người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với từng người lao động.
– Hợp đồng lao động được lập ít nhất thành hai bản, người sử dụng lao động giữ một bản, người lao động giữ một bản.
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình.
Lưu ý: Trong hợp đồng lao động hai bên thỏa thuận về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở. (khoản 3 Điều 162 Bộ Luật Lao động 2019)
2.3 Thời hạn của hợp đồng lao động.
Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày. (khoản 2 Điều 162 Bộ Luật Lao động 2019)
Lưu ý: Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình phải được lập thành văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 162 Bộ Luật lao động 2019.
3. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình.
Điều 163 Bộ Luật lao động 2019 quy định một số nghĩa vụ của người sử dụng lao động như sau:
– Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.
– Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
– Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.
– Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.
– Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.
– Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
4. Nghĩa vụ của người lao động là giúp việc gia đình.
Điều 164 Bộ Luật lao động 2019 quy định người lao động là giúp việc gia đình có các nghĩa vụ sau:
– Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.
– Phải bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nếu làm hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động.
– Thông báo kịp thời với người sử dụng lao động về khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình người sử dụng lao động và bản thân.
– Tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật.
5. Các hành vi bị cấm đối với người sử dụng lao động.
Quy định về các hành vi bị cấm tại Điều 165 Bộ Luật lao động 2019 như sau:
– Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.
– Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.
– Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.
Kết luận: Những vấn đề liên quan đến Lao động là người giúp việc gia đình phải được tuân theo Bộ Luật lao động 2019, Nghị định 27/2014/NĐ-CP, Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Lao động là người giúp việc gia đình
Thủ tục | Nội dung |
---|