42. Công đoàn-tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
Dựa trên những quy định của Bộ Luật Lao động 2019, Luật Công đoàn 2012, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về Công đoàn-tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
1. Khái niệm.
– Theo khoản 3 Điều 3 Bộ Luật Lao động 2019 thì Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
– Điều 1 Luật Công đoàn 2012 quy định Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
– Khoản 2 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 quy định Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
2. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
Điều 5 Luật Công đoàn 2012 quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
– Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
– Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Lưu ý: Công đoàn cơ sở thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam được thành lập ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. (khoản 1 Điều 171 Bộ Luật Lao động 2019)
3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn.
– Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
– Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
(Điều 6 Luật Công đoàn 2012)
4. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động của công đoàn.
– Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn.
– Phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
– Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn.
– Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
(Điều 9 Luật Công đoàn 2012)
5. Quyền và trách nhiệm của công đoàn.
Mục 1 Chương II của Luật Công đoàn 2012 quy định một số quyền và trách nhiệm của Công đoàn như sau:
– Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
– Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội
– Trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị xây dựng chính sách pháp luật
– Tham dự các phiên họp, cuộc họp, kỳ họp và hội nghị
– Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
– Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động.
– Phát triển đoàn viên công đoàn và công đoàn cơ sở
6. Quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn.
6.1 Quyền của đoàn viên công đoàn.
– Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
– Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.
– Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.
– Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.
– Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
– Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.
– Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.
(Điều 18 Luật Công đoàn 2012)
6.2 Trách nhiệm của đoàn viên công đoàn.
– Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết của Công đoàn; tham gia các hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
– Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
– Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn.
(Điều 19 Luật Công đoàn 2012)
Kết luận: Những vấn đề liên quan đến Công đoàn-tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phải tuân theo Bộ Luật lao động 2019, Luật Công đoàn 2012.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Công đoàn-tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Thủ tục | Nội dung |
---|