22. Thông tin báo cháy và chữa cháy
Thông tin báo cháy và chữa cháy là công việc cơ bản cần thực hiện ngay khi phát hiện có cháy, từ đó việc chữa cháy sẽ kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Nội dung chi tiết sẽ được Dữ Liệu Pháp Lý cụ thể qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Thông tư 149/2020/TT-BCA.
1. Khái niệm
Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường. (khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).
Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. (khoản 8 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).
Thông tin báo sự cố bao gồm cháy, tai nạn; báo lỗi của hệ thống, thiết bị báo cháy. (khoản 2 Điều 11 Thông tư 149/2020/TT-BCA).
2. Thông tin báo cháy và chữa cháy
Căn cứ theo Điều 32 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 thì:
– Thông tin báo cháy bằng hiệu lệnh hoặc bằng điện thoại.
– Số điện thoại báo cháy được quy định thống nhất trong cả nước là 114.
– Phương tiện thông tin liên lạc phải được ưu tiên để phục vụ báo cháy, chữa cháy.
3. Trách nhiệm báo cháy
Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh biết và báo cho một hoặc tất cả các đơn vị sau đây (khoản 1 Điều 20 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)
– Đội dân phòng hoặc đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tại nơi xảy ra cháy;
– Đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất;
– Chính quyền địa phương nơi xảy ra cháy.
4. Hệ thống cơ sở dữ liệu
Căn cứ theo Điều 11, 12 Thông tư 149/2020/TT-BCA về Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố thì:
– Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, gồm: Cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy; cơ sở hạ tầng thông tin.
– Kết nối, truyền dẫn dữ liệu, thông tin: Thông tin báo sự cố của cơ sở được thực hiện thông qua thiết bị truyền tin báo sự cố và dịch vụ kết nối từ các cơ sở đến cơ quan Công an do các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền tin báo sự cố thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật.
– Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và các thông tin báo sự cố phải được kết nối đồng bộ với phần mềm quản lý của cơ quan Công an; phải bảo đảm yêu cầu về an ninh, an toàn và bảo mật theo quy định.
– Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức quản lý, khai thác, vận hành hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố.
– Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai, khai thác hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố phù hợp với quy định và hướng dẫn của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
5. Trách nhiệm liên quan đến thông tin báo cháy và chữa cháy
Bộ Công an có trách nhiệm (khoản 7 Điều 51 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)
– Thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi cả nước.
– Quy định, hướng dẫn, chỉ đạo việc tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy, chỉ huy chữa cháy, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy và triển khai hoạt động chữa cháy, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy theo quy định.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm (điểm đ khoản 1 Điều 52 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)
– Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy ở địa phương.
– Bảo đảm điều kiện về thông tin báo cháy, đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.
6. Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thông tin báo cháy và chữa cháy
Khoản 4, 4a Điều 13 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định các hành vi bị nghiêm cấm:
– Báo cháy giả.
– Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy.
7. Xử lý vi phạm quy định về thông tin báo cháy
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về vi phạm thông tin báo cháy thì:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thay thế phương tiện, thiết bị thông tin báo cháy hỏng hoặc mất tác dụng.
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không có hiệu lệnh, thiết bị thông tin báo cháy theo quy định;
+ Báo cháy chậm, không kịp thời; báo cháy không đầy đủ.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Báo cháy giả;
+ Không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy;
+ Đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin không kịp thời khắc phục những hỏng hóc đối với thiết bị tiếp nhận thông tin báo cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi đã có yêu cầu bằng văn bản.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
– Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kết luận: Thông tin báo cháy và chữa cháy không là trách nhiệm của riêng một cá nhân, tổ chức cụ thể nào. Trong quá trình thực hiện phải tuân thủ các quy định tại Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Thông tư 149/2020/TT-BCA.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Thông tin báo cháy và chữa cháy
Thủ tục | Nội dung |
---|