23. Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy
Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy là công việc cơ bản cần thực hiện ngay khi phát hiện có cháy, từ đó việc chữa cháy sẽ kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Nội dung chi tiết sẽ được Dữ Liệu Pháp Lý cụ thể qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường. (khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).
Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. (khoản 8 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).
2. Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy
Điều 33 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 và Điều 20 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy gồm:
– Lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi nhận được tin báo về vụ cháy xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động thì phải nhanh chóng đến chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác để chi viện chữa cháy;
– Lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi nhận được tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng thông báo cho cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy cháy để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy; đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp quản lý để xem xét, quyết định điều động lực lượng, phương tiện đến chữa cháy khi có yêu cầu phối hợp.
– Người có mặt tại nơi xảy ra cháy phải tìm mọi biện pháp phù hợp để cứu người, ngăn chặn cháy lan và chữa cháy; người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy.
– Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.
– Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.
– Ủy ban nhân dân các địa phương giáp ranh phải xây dựng phương án phối hợp và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy khi có yêu cầu.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy
Khoản 4, 4a Điều 13 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định các hành vi bị nghiêm cấm:
– Báo cháy giả.
– Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy.
4. Xử lý vi phạm quy định về trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về vi phạm thông tin báo cháy thì:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thay thế phương tiện, thiết bị thông tin báo cháy hỏng hoặc mất tác dụng.
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không có hiệu lệnh, thiết bị thông tin báo cháy theo quy định;
+ Báo cháy chậm, không kịp thời; báo cháy không đầy đủ.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Báo cháy giả;
+ Không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy;
+ Đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin không kịp thời khắc phục những hỏng hóc đối với thiết bị tiếp nhận thông tin báo cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi đã có yêu cầu bằng văn bản.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
– Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại Điều 42 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về công tác chữa cháy thì:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vào khu vực chữa cháy khi không được phép của người có thẩm quyền.
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không kịp thời thực hiện việc cứu người, cứu tài sản hoặc chữa cháy.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ về lực lượng, phương tiện, nguồn nước và các điều kiện khác phục vụ chữa cháy theo quy địn;
+ Không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy;
+ Không chấp hành lệnh huy động tham gia chữa cháy của người có thẩm quyền.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Cản trở hoạt động của lực lượng và phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
+ Không tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy khi có yêu cầu của người có thẩm quyền;
+ Không bảo vệ hiện trường vụ cháy theo quy định;
+ Không bố trí đường giao thông, vị trí tiếp cận tòa nhà, công trình và các khoảng trống khác cho xe chữa cháy và các phương tiện chữa cháy cơ giới khác hoạt động theo quy định.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không tổ chức việc thoát nạn, cứu người hoặc chữa cháy;
+ Lợi dụng việc chữa cháy để xâm hại đến sức khỏe, tài sản hợp pháp của công dân và tài sản của nhà nước.
– Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kết luận: Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy là trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức không phân biệt là người có quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài. Việc thực hiện được quy định tại Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy
Thủ tục | Nội dung |
---|