27. Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy
Khi có cháy, người chỉ huy chữa cháy sẽ được trao những quyền giúp cho việc chữa cháy diễn ra nhanh chóng, kịp thời và có hiệu quả. Đi chung với quyền là những trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chỉ huy của mình. Nội dung sẽ được Dữ Liệu Pháp Lý cụ thể qua Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013), Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường. (Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).
Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. (Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).
2. Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy
Theo quy định tại Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 thì người chỉ huy chữa cháy có quyền và trách nhiệm:
– Người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có các quyền sau đây:
+ Huy động ngay lực lượng và phương tiện của lực lượng phòng cháy và chữa cháy để chữa cháy;
+ Quyết định khu vực chữa cháy, các biện pháp chữa cháy, sử dụng địa hình, địa vật lân cận để chữa cháy;
+ Cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ qua lại khu vực chữa cháy; huy động người và phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy;
+ Quyết định phá dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
– Người chỉ huy chữa cháy là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được thực hiện các quyền quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 trong phạm vi quản lý của mình.
Người chỉ huy chữa cháy quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 trong phạm vi quản lý của mình được thực hiện các quyền quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001.
– Mọi người phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy.
– Người chỉ huy chữa cháy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy như sau
Nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy
– Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản, nguồn nước, chất và vật liệu chữa cháy để chữa cháy;
– Xác định khu vực chữa cháy, đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy;
– Đề ra các yêu cầu về bảo đảm giao thông, trật tự;
– Tổ chức hậu cần chữa cháy, phục vụ chữa cháy và y tế;
– Tổ chức thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy;
– Tổ chức công tác chính trị tư tưởng trong chữa cháy;
– Tổ chức thông tin về vụ cháy;
– Quyết định kết thúc hoạt động chữa cháy;
– Phối hợp tổ chức bảo vệ hiện trường vụ cháy;
– Tổ chức rút kinh nghiệm vụ cháy;
– Đề xuất các yêu cầu khác phục vụ cho chữa cháy.
– Khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến đám cháy
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
– Khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đến đám cháy thì
+ Người chỉ huy đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy và thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
3. Tình thế cấp thiết
Tình thế cấp thiết được sử dụng quyền quyết định phá, dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản khi chữa cháy được quy định tại Điều 26 Nghị định 136/2020/NĐ-CP
Người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được thực hiện quyền quyết định phá, dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001: “Quyết định phá dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng” trong những tình thế cấp thiết sau đây:
– Có người đang bị mắc kẹt trong đám cháy hoặc đám cháy đang trực tiếp đe dọa tính mạng của nhiều người.
– Đám cháy có nguy cơ trực tiếp dẫn đến nổ, độc; nguy cơ tác động xấu đến môi trường; nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; khả năng gây tác động ảnh hưởng xấu về chính trị, đối ngoại nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
– Nhà, công trình, vật chướng ngại cản trở việc triển khai chữa cháy mà không có cách nào khác để chữa cháy đạt hiệu quả cao hơn.
Kết luận: Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy được thực hiện theo các quy định tại Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013), Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Hi vọng Dữ Liệu Pháp Lý đã đem lại những thông tin bổ ích cho người đọc.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy
Thủ tục | Nội dung |
---|