32. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy
Lực lượng phòng cháy và chữa cháy là lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy của toàn dân. Nội dung sẽ được Dữ Liệu Pháp Lý cụ thể qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Thông tư 149/2020/TT-BCA.
1. Khái niệm
Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường. (Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).
Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú. (Khoản 5 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).
Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở là tổ chức gồm những người được giao nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách. (Khoản 1 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi 2013).
Khu vực chữa cháy là khu vực mà lực lượng chữa cháy triển khai các công việc chữa cháy. (Khoản 7 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).
Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. (Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).
2. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy
Theo Điều 43 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 và khoản 24 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi 2013, lực lượng phòng cháy và chữa cháy là lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy của toàn dân bao gồm:
– Lực lượng dân phòng;
– Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
– Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
– Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
3.Thành lập, quản lý đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành
Việc thành lập và quản lý quy định tại Điều 44 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được sửa đổi bổ sung tại khoản 25 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi 2013 gồm:
– Tại thôn phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập, quản lý.
Lưu ý: Điều kiện hoạt động của lực lượng dân phòng được bảo đảm tại Điều 30 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
– Tại cơ sở phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý.
– Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành là đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được tổ chức để đáp ứng yêu cầu hoạt động đặc thù của cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý.
Lưu ý: Điều kiện hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành được bảo đảm tại Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Tại các cơ sở sau đây phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành:
+ Cơ sở hạt nhân;
+ Cảng hàng không, cảng biển;
+ Cơ sở khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt;
+ Cơ sở khai thác than;
+ Cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ;
+ Các cơ sở khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Lưu ý: Điều 13 Thông tư 149/2020/TT-BCA quy định phải lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành với cơ sở quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi 2013 và các cơ sở sau:
+ Kho dự trữ cấp quốc gia; kho dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ có tổng dung tích 15.000 m3 trở lên;
+ Nhà máy thủy điện có công suất từ 300 MW trở lên, nhà máy nhiệt điện có công suất từ 200 MW trở lên;
+ Cơ sở sản xuất giấy 35.000 tấn/năm trở lên;
+ Cơ sở dệt công suất 20 triệu m2/năm trở lên;
+ Cơ sở sản xuất phân đạm 180.000 tấn/năm trở lên;
+ Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có diện tích từ 50 ha trở lên.
– Quyết định thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành phải được cơ quan ban hành gửi tới cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn đó.
4. Nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở
Căn cứ Điều 45 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở gồm:
– Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy và chữa cháy;
– Xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy;
– Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
– Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;
– Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra;
– Tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.
Kết luận: Lực lượng phòng cháy và chữa cháy được thực hiện theo các quy định tại Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Thông tư 149/2020/TT-BCA.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Lực lượng phòng cháy và chữa cháy
Thủ tục | Nội dung |
---|