33. Thành lập, quản lý, chỉ đạo đội dân phòng và đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở
Để có thể thực hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy thì việc thành lập, quản lý, chỉ đạo đội dân phòng và đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở là một vấn đề vô cùng quan trọng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú. (khoản 5 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001)
Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở là tổ chức gồm những người được giao nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách. (khoản 6 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi 2013)
2. Quy định về thành lập, quản lý, chỉ đạo đội dân phòng và đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở
Theo quy định tại Điều 44 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 25 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi 2013 thì:
– Tại thôn phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập, quản lý.
– Tại cơ sở phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý.
– Quyết định thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở phải được cơ quan ban hành gửi tới cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn đó.
3. Thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng dân phòng
Theo tại Điều 30 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì việc thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng dân phòng được quy định như sau:
– Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập đội dân phòng trên cơ sở đề xuất của Trưởng thôn và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của đội dân phòng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, nơi làm việc, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội dân phòng.
– Bố trí lực lượng dân phòng:
+ Đội dân phòng có biên chế từ 10 người đến 20 người, trong đó 01 đội trưởng và 01 đội phó; biên chế trên 20 người đến 30 người được biên chế thêm 01 đội phó. Đội dân phòng có thể được chia thành các tổ dân phòng; biên chế của tổ dân phòng từ 05 đến 09 người, trong đó có 01 tổ trưởng và 01 tổ phó;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định bổ nhiệm đội trưởng, đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phòng.
– Thành viên đội dân phòng là những người thường xuyên có mặt tại nơi cư trú.
– Cơ quan Công an có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đối với lực lượng dân phòng.
4. Thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở
Theo quy định tại Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì:
– Người đứng đầu cơ sở và người đứng đầu cơ quan, đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có trách nhiệm thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và trực tiếp duy trì hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.
– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
– Bố trí lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở:
+ Cơ sở có dưới 10 người thường xuyên làm việc thì tất cả những người làm việc tại cơ sở đó là thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và do người đứng đầu cơ sở chỉ huy, chỉ đạo;
+ Cơ sở có từ 10 người đến 50 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 10 người, trong đó có 01 đội trưởng;
+ Cơ sở có trên 50 người đến 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 15 người, trong đó có 01 đội trưởng và 01 đội phó;
+ Cơ sở có trên 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, tối thiểu là 25 người, trong đó có 01 đội trưởng và 02 đội phó;
+ Cơ sở có nhiều phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập có trên 100 người thường xuyên làm việc thì mỗi bộ phận, phân xưởng có 01 tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở; biên chế của tổ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu 05 người, trong đó có 01 tổ trưởng;
+ Cơ sở được trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới thì biên chế đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở phải bảo đảm duy trì số người thường trực đáp ứng theo cơ số của phương tiện chữa cháy cơ giới;
+ Đối với trạm biến áp được vận hành tự động, có hệ thống phòng cháy và chữa cháy tự động được liên kết, hiển thị, cảnh báo cháy về cơ quan chủ quản và có hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố đến cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thì không phải thành lập và duy trì lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Cơ quan, tổ chức trực tiếp vận hành, quản lý trạm biến áp phải chịu trách nhiệm duy trì và bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với trạm biến áp do mình quản lý.
– Cơ quan Công an có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đối với lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
Kết luận: Trên đây là nội dung về việc thành lập, quản lý, chỉ đạo đội dân phòng và đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Thành lập, quản lý, chỉ đạo đội dân phòng và đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở
Thủ tục | Nội dung |
---|