34. Nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở

Lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở là một trong những lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy chữa của toàn dân. Việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở được quy định theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú. (khoản 5 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001)

Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở là tổ chức gồm những người được giao nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách. (khoản 6 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi 2013)

2. Nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở

Theo quy định tại Điều 45 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 thì nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở gồm:

Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

Đội dân phòng và đội phòng cháy chữa cháy dựa trên cơ sở tình hình thực tế của đơn vị (vị trí địa lý, cấu trúc xây dựng; đặc điểm, quy mô hoạt động, tính chất nguy hiểm cháy, nổ v.v…) mà đề xuất với người đứng đầu cơ quan tổ chức ban hành các quy định, nội quy về phòng cháy chữa cháy đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy chữa cháy tại đơn vị đó.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy.

Đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở phải đề xuất kế hoạch tổ chức tuyên truyền phòng cháy chữa cháy trong nội bộ cơ quan, tổ chức thực hiện kế hoạch này trên thực tế nhằm nâng cao sự hiểu biết, kiến thức về phòng cháy chữa cháy, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy chữa cháy có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức và được lồng ghép vào các hoạt động chung của đơn vị, hoạt động của các đoàn thể quần chúng. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy từng cụm dân cư, từng loại hình cơ sở.

Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

Tuỳ theo đặc điểm, tính chất hoạt động của từng cơ sở mà tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra về phòng cháy chữa cháy theo chế độ thường xuyên, định kỳ và đột xuất; nội dung kiểm tra là việc thực hiện các quy định, nội quy về phòng cháy chữa cháy, trách nhiệm phòng cháy chữa cháy, việc thực hiện các quy định của nhà nước về phòng cháy chữa cháy và thực hiện các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy của các cơ quan có thẩm quyền. Việc kiểm tra PCCC phải tìm ra các sơ hở thiếu sót, từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục.

Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

Đề xuất, xây dựng kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại cơ sở, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc tại các khu vực có nguy hiểm về cháy, nổ. Thực hiện việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hàng năm cho các đội viên đội phòng cháy chữa cháy cơ sở theo quy định của pháp luật.

Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.

Việc xây dựng phương án và thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, bao gồm:

   + Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy, chủ phương tiện giao thông cơ giớiyêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở đối với khu dân cư, cơ sở, phương tiện sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ trong phạm vi quản lý;

   + Trưởng Công an cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy;

   + Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, phương án chữa cháy cần huy động lực lượng Công an, Quân đội, cơ quan, tổ chức đóng ở địa phương và lực lượng Công an của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Kết luận: Trên đây là nội dung về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở

Thủ tục Nội dung