42. Sản xuất, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Một trong những điều vô cùng quan trọng để thực hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy là có sự chuẩn bị mọi mặt về phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Việc sản xuất, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy được pháp luật quy định một cách chặt chẽ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
– Phương tiện phòng cháy và chữa cháy gồm phương tiện cơ giới, thiết bị, máy móc, dụng cụ, hóa chất, công cụ hỗ trợ chuyên dùng cho việc phòng cháy, chữa cháy, cứu người, cứu tài sản được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này. (khoản 1 Điều 37 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)
– Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy là hoạt động theo quy trình của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để kiểm tra, đánh giá và chứng nhận sự phù hợp của phương tiện phòng cháy và chữa cháy với yêu cầu quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo hướng dẫn của Bộ Công an. (khoản 1 Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)
2. Sản xuất, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Theo quy định tại Điều 53 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 thì:
– Phương tiện phòng cháy và chữa cháy được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải bảo đảm chất lượng, đúng tiêu chuẩn và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
– Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chuyên môn kỹ thuật theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền.
Cụ thể theo khoản 3 Điều 37 Nghị định 136/2020/NĐ-CP phương tiện phòng cháy và chữa cháy sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
– Bảo đảm về các thông số kỹ thuật theo thiết kế phục vụ cho phòng cháy và chữa cháy;
– Phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế được phép áp dụng tại Việt Nam.
3. Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy như sau:
– Phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này được sản xuất mới, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông phải được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
– Nội dung kiểm định:
+ Kiểm định chủng loại, mẫu mã phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
+ Kiểm định thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng phương tiện.
– Phương thức kiểm định:
+ Kiểm tra số lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời gian sản xuất, số sêri và các thông số kỹ thuật của phương tiện;
+ Kiểm tra chủng loại, mẫu mã phương tiện;
+ Kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm, đánh giá chất lượng mẫu phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Mẫu phương tiện để kiểm định được lấy ngẫu nhiên theo phương pháp lấy mẫu quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trường hợp chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm, đánh giá chất lượng mẫu phương tiện phòng cháy và chữa cháy thì thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nước ngoài hoặc quốc tế được phép áp dụng tại Việt Nam. Cho phép sử dụng kết quả kiểm định của các cơ quan, tổ chức nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp phép để xem xét cấp giấy chứng nhận kiểm định;
+ Đánh giá kết quả và lập biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC25).
– Thẩm quyền kiểm định:
+ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện kiểm định;
+ Đơn vị thuộc cơ quan Công an có đủ điều kiện, được Bộ Công an cho phép thực hiện công tác kiểm định; cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy đã được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy được phép thực hiện các hoạt động tiếp nhận hồ sơ đề nghị kiểm định, lấy mẫu, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật và lập biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC25) đối với loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã được cấp phép kiểm định thuộc danh mục quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy
Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì việc khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy như sau:
– Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ trong các lĩnh vực sau đây:
+ Hoạt động phòng cháy và chữa cháy;
+ Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức phòng cháy và chữa cháy;
+ Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động phòng cháy và chữa cháy;
+ Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy.
– Nhà nước khuyến khích nghiên cứu sản xuất, lắp ráp trong nước, xuất khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện phòng cháy và chữa cháy trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Nhà nước.
Kết luận: Phương tiện phòng cháy và chữa cháy có thể được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, trong quá trình này các chủ thể thực hiện cần tuân thủ các quy định được quy định tại Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Sản xuất, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Thủ tục | Nội dung |
---|