45. Khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy

Phòng cháy, chữa cháy là một biện pháp nhằm loại trừ hoặc hạn chế đến mức tối đa nguy cơ xảy ra cháy, nổ và là một vấn đề xã hội rất được đề cao và khuyến khích đầu tư. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung Khuyến khích đầu tư phòng cháy và chữa cháy, thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi bổ sung 2013) đã được hợp nhất bằng Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-VPQH năm 2013, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường. (Khoản 1 Điều 3 Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-VPQH năm 2013)

Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. (Khoản 8 Điều 3 Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-VPQH năm 2013)

Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy, bao gồm:

– Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

– Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

– Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

– Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

2. Khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy

Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì:

– Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ trong các lĩnh vực sau đây:

+ Hoạt động phòng cháy và chữa cháy;

+ Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy;

+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức phòng cháy và chữa cháy;

+ Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động phòng cháy và chữa cháy;

+ Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy.

– Nhà nước khuyến khích nghiên cứu sản xuất, lắp ráp trong nước, xuất khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện phòng cháy và chữa cháy trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Nhà nước.

3. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy

Điều 48 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định như sau:

– Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, Bộ Công an lập kế hoạch ngân sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy và giao Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện; Ủy ban nhân dân các cấp phải lập kế hoạch ngân sách bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy của địa phương.

– Cơ quan, tổ chức không thụ hưởng ngân sách nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nước ngoài đóng trên lãnh thổ Việt Nam tự bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

–  Ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được sử dụng cho các nội dung sau:

+ Hoạt động thường xuyên của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;

+ Trang bị, đổi mới và hiện đại hóa phương tiện phòng cháy và chữa cháy và cơ sở vật chất kỹ thuật; nghiên cứu khoa học và công nghệ về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

– Nội dung chi cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy của Ủy ban nhân dân các cấp bao gồm:

+ Hỗ trợ xây dựng, cải tạo và sửa chữa trụ sở làm việc, mua sắm, trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa, đổi mới, hiện đại hóa phương tiện phòng cháy và chữa cháy và cơ sở vật chất kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đóng trên địa bàn;

+ Hoạt động thường xuyên của lực lượng dân phòng; hỗ trợ thường xuyên cho Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng;

+ Mua sắm thiết bị bảo hộ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở thuộc cơ quan tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước.

4. Sử dụng nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy

Theo Điều 47 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì:

Nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy được sử dụng cho các nội dung sau đây:

+ Đầu tư cho hoạt động, cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy và các thiết bị của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;

+ Hỗ trợ hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

+ Hỗ trợ tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;

+ Hỗ trợ khen thưởng trong công tác phòng cháy và chữa cháy;

+ Hỗ trợ các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khác.

Kết luận: Trên đây là những quy định về Khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháyDữ Liệu Pháp Lý đã tổng hợp và phân tích. Theo đó, Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được nhà nước khuyến khích, tạo mọi điều kiện để đầu tư, tài trợ cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy. Việc sử dụng nguồn tài chính và kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy được thực hiện theo quy định của Luật Phòng cháyvà chữa cháy 2001 sửa đổi bổ sung 2013, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện được xem tại đây:

Khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy

Thủ tục Nội dung