26. Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế
Trong các trường hợp nhất định, quyền sử dụng đối với các sáng chế có thể bị chuyển giao bởi quy định của pháp luật mà không cần thông qua ý kiến của chủ sở hữu hợp pháp. Và qua bài viết này, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ phân tích các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 liên quan đến vấn đề bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế.
1. Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế
Được quy định tại Điều 145 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế như sau:
– Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật này mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế:
+ Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;
+ Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật này sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế;
+ Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng;
+ Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
– Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ chuyển giao quy định tại khoản 1 Điều này không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.
2. Điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc
Điều 146 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc như sau:
– Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây:
+ Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền;
+ Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 145 của Luật này. Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;
+ Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;
+ Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế một khoản tiền đền bù thỏa đáng tùy thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.
– Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 của Luật này còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế cơ bản cũng được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phụ thuộc với những điều kiện hợp lý;
+ Người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản không được chuyển nhượng quyền đó, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với toàn bộ quyền đối với sáng chế phụ thuộc.
– Về chi tiết khoản tiền đền bù thỏa đáng dành cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế, xem thêm quy định tại Điều 24 Nghị định 103/2006/NĐ-CP
3. Thẩm quyền và thủ tục chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc
Điều 147 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau về Thẩm quyền và thủ tục chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc:
– Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở xem xét yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng đối với trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 145 của Luật này.
Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình khi xảy ra trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 145 của Luật này trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.
– Quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phải ấn định phạm vi và các điều kiện sử dụng phù hợp với quy định tại Điều 146 của Luật này.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phải thông báo ngay cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về quyết định đó.
– Quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế hoặc từ chối chuyển giao quyền sử dụng sáng chế có thể bị khiếu nại, bị khởi kiện theo quy định của pháp luật.
– Chính phủ quy định cụ thể thủ tục chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế quy định tại Điều này.
Kết luận: Qua các điều khoản nói trên của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, điều kiện cũng như các hạn chế nhất định khi quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao một cách bắt buộc đã được quy định chi tiết. Hy vọng với bài viết này, Dữ Liệu Pháp Lý đã đem đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản và cần thiết xoay quanh vấn đề bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế
Thủ tục | Nội dung |
---|