30. Xác lập quyền đối với giống cây trồng

Với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, ngày càng có các giống cây trồng mới với nhiều ưu điểm va năng suất cao ra đời. Từ đó cũng dẫn đến việc phải có các quy định rõ ràng liên quan đến việc đăng ký xác lập quyền đối với giống cây trồng nhằm tránh các trường hợp cá nhân, tổ chức đăng kí bừa bãi hoặc không đúng sự thật về người thực sự có quyền đối với giống cây trồng. Dữ Liệu Pháp Lý sẽ làm rõ các quy định trên thông qua bài viết phân tích các điều khoản Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009.

1. Xác lập quyền đối với giống cây trồng

Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.(khoản 4 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005)

2. Đăng ký quyền đối với giống cây trồng

Theo quy định tại Điều 164 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về đăng ký quyền đối với giống cây trồng như sau:

– Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

– Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng (sau đây gọi là người đăng ký) bao gồm:

+ Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình;

+ Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

+ Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

– Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển do sử dụng ngân sách nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý thì quyền đối với giống cây trồng đó thuộc về Nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản này.

3. Điều kiện của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký cũng như đại diện quyền đối với giống cây trồng

Theo Điều 165 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định về điều kiện của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký cũng như đại diện quyền đối với giống cây trồng như sau:

– Tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 157 của Luật này nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là đơn đăng ký bảo hộ) trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

– Tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây được kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng:

+ Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;

+ Có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh);

Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này được hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.

Cá nhân được phép hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;

+ Hoạt động trong một tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.

Cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng:

+ Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Thường trú tại Việt Nam;

+ Có bằng tốt nghiệp đại học;

+ Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về quyền đối với giống cây trồng liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về quyền đối với giống cây trồng liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

+ Không phải là công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền đối với giống cây trồng;

+ Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

Chính phủ quy định cụ thể về đại diện hợp pháp nộp đơn và tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.

4. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với giống cây trồng

Điều 166 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với giống cây trồng:

– Trường hợp có từ hai người trở lên độc lập nộp đơn đăng ký bảo hộ vào các ngày khác nhau cho cùng một giống cây trồng thì Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ có thể được cấp cho người đăng ký hợp lệ sớm nhất.

– Trường hợp có nhiều đơn đăng ký bảo hộ cho cùng một giống cây trồng được nộp vào cùng một ngày thì Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ có thể được cấp cho người nào đứng tên nộp một đơn duy nhất theo sự thỏa thuận của tất cả những người đăng ký; nếu những người đăng ký không thỏa thuận được thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng sẽ xem xét để cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng trên cơ sở xác định người đầu tiên đã chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng đó.

5. Nguyên tắc ưu tiên đối với đơn đăng ký bảo hộ

Điều 167 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau về nguyên tắc ưu tiên đối với đơn đăng ký bảo hộ:

– Người đăng ký có quyền yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký bảo hộ được nộp trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ cùng một giống cây trồng tại nước có ký kết với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng. Ngày nộp đơn đầu tiên không tính vào thời hạn này.

– Để được hưởng quyền ưu tiên, người đăng ký phải thể hiện yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên trong đơn đăng ký bảo hộ. Trong thời hạn chậm nhất là ba tháng, kể từ ngày nộp đơn đăng ký, người đăng ký phải cung cấp bản sao các tài liệu về đơn đầu tiên được cơ quan có thẩm quyền xác nhận và các mẫu hoặc bằng chứng khác xác nhận giống cây trồng ở hai đơn là một và phải nộp lệ phí. Người đăng ký có quyền cung cấp thông tin, tài liệu hoặc vật liệu cần thiết cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định theo quy định tại Điều 176 và Điều 178 của Luật này trong thời hạn hai năm sau ngày kết thúc thời hạn hưởng quyền ưu tiên hoặc trong thời hạn thích hợp tùy thuộc vào loài của giống cây trồng trong đơn, sau khi đơn đầu tiên bị từ chối hoặc rút bỏ.

– Đơn đăng ký bảo hộ được hưởng quyền ưu tiên thì ngày ưu tiên là ngày nộp đơn đầu tiên.

– Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, việc nộp một đơn khác hoặc công bố hoặc sử dụng giống cây trồng là đối tượng của đơn đầu tiên không bị coi là căn cứ để từ chối đơn đăng ký bảo hộ được hưởng quyền ưu tiên.

Kết luận: Qua bài phân tích, có thể thấy các điều kiện để cá nhân, tổ chức xác lập quyền đối với giống cây trồng do mình tạo ra đã được Luật Sở hữu trí tuệ quy định một cách  khá đầy đủ và chi tiết. Để biết thêm thông tín bạn đọc vui lòng tìm hiểu thêm tại Luật Sở hữu trí tuệ.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Xác lập quyền đối với giống cây trồng

Thủ tục Nội dung